Thứ hai 25/11/2024 04:00

Phát triển Cụm công nghiệp Đông Phú Yên: Không để những "nút thắt" nhỏ làm "ách tắc" chủ trương lớn

Phát triển Cụm công nghiệp Đông Phú Yên được huyện Chương Mỹ chú trọng phát triển. Song, hiện dự án này vẫn chưa thể hoàn thiện vì những rào cản không đáng có.

Cụm công nghiệp "mở đường" cho phát triển

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các xã Phú Nghĩa, xã Đông Phương Yên, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đang mong mỏi có cụm công nghiệp để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hợp tác xã về tập trung tại một khu vực để đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy kinh tế cũng như đảm bảo môi trường trên địa bàn.

Đáp ứng những nguyện vọng của người dân, ngày 14/11/2019, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 6594/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Đông Phú Yên.

Theo đó, Cụm công nghiệp Đông Phú Yên có quy mô 41,2 ha do Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (Tập đoàn Phú Mỹ, Km25, quốc lộ 6, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự án là 765,431 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong khoảng thời gian từ Quý IV/2019 đến Quý IV/2021.

Đại diện Tập đoàn Phú Mỹ chia sẻ những khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp Đông Phú Yên

Cụm công nghiệp được xây dựng với mục tiêu chính là để phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong xã Phú Nghĩa, xã Đông Phương Yên, xã Trường Yên và khu vực lân cận nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, phát triển nghề, làng nghề địa phương. Do đó, nghề nghiệp hoạt động chủ yếu sẽ tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất chế biến các ngành nghề cụ thể như: Sản phẩm may mặc, thời trang, mây tre đan; Vật liệu trang trí nội – ngoại thất; Sản xuất, chế tác gỗ; Cơ khí chính xác; Sản xuất thực phẩm, bánh kẹo; Chế biến thực phẩm; Dược phẩm; Chế biến nông sản; Công nghiệp nhẹ ít gây ô nhiễm môi trường; Công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, cơ khí chính xác, cơ điện tử, các ngành công nghiệp môi trường; Các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch; Dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp.

Hoàn thiện thủ tục vẫn chưa thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành

Ngày 21/4/2020, UBND huyện Chương Mỹ ban hành Quyết định số 3685/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Ngày 8/7/2020, dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến ngày 05/3/2021, Sở Giao thông và Vận tải đã có Văn bản số 81/GP-SGTVT cấp giấy phép thi công hạng mục đấu nối giao thông từ cụm công nghiệp này với Quốc lộ 6.

Một góc Cụm công nghiệp Đông Phú Yên

Tuy nhiên, tiến độ của dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên vướng phải một số vướng mắc nên đến ngày 5/8/2022, UBND TP. Hà Nội lại có quyết định số 2738/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Quyết định số 6594. Theo đó, quyết định mới sẽ điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên theo các mốc thời gian sau: chuẩn bị đầu tư từ Quý IV/2019 – Quý III/2022, khởi công vào Quý III/2022 và hoàn thành vào Quý IV/2022.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Ban Điều hành dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên cho biết, việc phát triển dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển cụm công nghiệp này vẫn gặp một số khó khăn và vướng mắc liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Theo đó, Thành phố đã điều chỉnh tiến độ dự án từ Quý IV/2019 - Quý IV/2021 sang Quý III/2022 - IV/2022.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh, thời gian qua có thông tin phản ánh Tập đoàn Phú Mỹ tiến hành xây dựng hạng mục công trình khi chưa được cấp phép là không chính xác. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư được các cấp chính quyền địa phương và đa đa số người dân có đất bị thu hồi ủng hộ (cuối năm 2021 diện tích giải phóng mặt bằng đạt 75% dự án). Cụ thể, đến nay đa phần các tổ chức và người dân đã nhận tiền và ký biên bản bàn giao đất cho dự án. Tuy nhiên, để chống tái lấn chiếm và các hoạt động phi pháp của một số đối tượng chống đối như việc tiếp tục trồng cây, xây mộ giả (năm 2020 phát hiện xây dựng 40 ngôi mộ giả) gây khó khăn cho việc thực hiện dự án, chủ đầu tư chủ động san gạt mặt bằng tránh tái lấn chiếm, đồng thời tích trữ nguyên liệu, làm đường công vụ để sẵn sàng thực hiện dự án khi đủ điều kiện. Việc làm trên chỉ được thực hiện trong phần đất được người dân, tổ chức ủng hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án, không vi phạm vào quyền lợi của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Ngoài ra, trước sự cấp thiết của cụm công nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy (Thủy Lợi Sông Đáy) cũng đã thống nhất các nội dung hoàn trả công trình thủy lợi liên quan đến dự án như: Kênh tiêu máng 7C từ K0 đến K1+075, kênh tưới nước trạm bơm Đông Sơn từ Cầu Hộp đi Trường Yên từ K2+042 đến K2+692. Về việc xây dựng hệ thống thoát nước trong cụm công nghiệp thực hiện sự thỏa thuận của chủ đầu tư với Thủy Lợi Sông Đáy về hệ thống công trình thủy lợi như việc thoát nước cho mùa mưa, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Trước khi thực hiện dự án chủ đầu tư đã phải hoàn thành hệ thống thủy lợi theo đúng yêu cầu và thỏa thuận hai bên để đảm bảo không ảnh hưởng đến mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Theo tìm hiểu, hiện nay, dự án trên còn vướng mắc một số vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đang được các cấp, ngành, doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ.

Ngày 19/4/2022, UBND huyện Chương Mỹ có văn bản số 1857/QĐ-UBND quyết định về việc kiện toàn Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Hội đồng bồi thường) Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đông Phú Yên. Hội đồng bồi thường bao gồm các đại diện phía chính quyền, chủ đầu tư dự án và những người có đất thuộc phạm vi dự án để tìm cách giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên cơ sở phù hợp với thực tế và đúng theo quy định của pháp luật. Đến tháng 8/2022 đã đạt hơn 90% diện tích.

Ngày 23/8/2022, Tập đoàn Phú Mỹ tiếp tục gửi văn bản đến UBND huyện Chương Mỹ đề tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đông Phú Yên. Ngày 14/9/2022, UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản số 1746/UBND-TTPTQĐ về việc chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án này.

Theo đó, dự án vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của những hộ dân trên địa bàn các xã nằm trong địa giới cụm công nghiệp. Cụ thể, tại xã Phú Nghĩa, hiện nay còn 01 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 168m2 nhưng chưa ký biên bản bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Tại xã Trường Yên, có 2 hộ chưa nhận tiền bồi thường và 8 hộ không phối hợp với Tổ công tác thực hiện kiểm đếm. Tại xã Đông Phương Yên, có 6 hộ chưa hoàn thiện công tác xác nhận nguồn gốc đất, 1 hộ chưa nhận tiền bồi thường, 1 hộ không phối hợp với tổ công tác thực hiện kiểm đếm.

Đối với những vướng mắc liên quan các hộ dân trên, UBND huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các cơ quan ban ngành của huyện, chính quyền các xã rà soát hồ sơ, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đất đai. Đối với những trường hợp chưa chịu nhận tiền bồi thường, chính quyền địa phương và tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, đại diện khu dân cư, Trung tâm phát triển quỹ đất tổ chức vận động, thuyết phục người dân đồng thuận nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, nếu các hộ dân không đồng thuận thì cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục thực hiện các bước theo quy định, sẵn sàng cho việc cưỡng chế bàn giao cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, UBND huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu UBND các xã Trường Yên, Đông Phương Yên khẩn trương thực hiện rà soát các hộ gia đình thuộc diện xem xét tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án và gửi báo cáo về Trung tâm Phát triển quỹ đất xong trước ngày 29/9/2022 để tổng hợp, tham mưu UBND huyện báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền.

Khu vực bảo vệ hiện trạng, tránh tình trạng tái lấn chiếm đất tại dự án phát triển Cụm công nghiệp Đông Phú Yên

Ngoài ra còn một số vướng mắc về ranh giới, mốc giới, xác định diện tích của 2 doanh nghiệp là Công ty Mây tre lá Hưng Thịnh và Công ty Mây tre Á Đông thuê đất thuộc địa giới hành chính xã Trường Yên. Để tháo gỡ những khó khăn trên, ngày 27/6/2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ đã có Văn bản số 404/TTPTQĐ về việc đề nghị hoàn thiện, cung cấp các hồ sơ về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc về ranh giới, mốc giới, xác định diện tích của các doanh nghiệp trên.

Đối với phần diện tích đất do Công ty Sữa Quốc tế và hộ ông Nguyễn Gia Tuấn đang sử dụng (địa phận xã Trường Yên) chưa có bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500 phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND huyện Chương Mỹ giao cho UBND xã Trường Yên phối hợp đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ do Tập đoàn Phú Mỹ thuê, kiểm tra ký bản đồ gửi về Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND huyện ký duyệt xong trước ngày 5/10/2022 để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Bá Thường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên đã đạt hơn 93%. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ chưa đồng thuận, do đó, quan điểm của chính quyền địa phương là sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, thuyết phục và linh hoạt tìm cách tháo gỡ những vướng mắc.

“Hiện, phía chủ đầu tư cũng đang làm thủ tục đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND TP. Hà Nội giao đất giai đoạn 1 có diện tích 38,1ha (đạt 93%), khi được Thành phố đồng ý thì sẽ thực hiện khởi công dự án”, ông Thường cho biết.

Trước tính cấp thiết của dự án, rất mong Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND TP.Hà Nội tạo điều kiện giao đất cho Tập đoàn Phú Mỹ để sớm khởi công dự án.

Trước những vướng mắc trên, đề nghị UBND huyện Chương Mỹ, UBND các xã Phú Nghĩa, xã Đông Phương Yên, xã Trường Yên cần có những biện pháp quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ sớm đưa Cụm công nghiệp Đông Phú Yên vào hoạt động để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Nhóm PV
Bài viết cùng chủ đề: Cụm công nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trấn Yên

Khuyến công Bình Định hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thiết kế bao bì, xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm

Bài 4: Kỳ vọng thổi 'luồng sinh khí' mới vào nền kinh tế

Năm 2024, sản xuất công nghiệp của Nam Định dự kiến tăng 14,5%

Chấp thuận đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vào khu công nghiệp Đồng Văn VI

Chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II, Hà Nam

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024: Quy mô cực lớn, nhiều bất ngờ chờ đón

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Bài 3: Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' để dự án về đích thành công

Bài 2: Bệ phóng để ngành công nghiệp chế tạo trong nước 'vươn tầm'

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường tại Brazil

Tăng liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Bài 1: Công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược

AP Saigon Petro ra mắt máy thay nhớt tự động 3R dành cho xe máy

10 tháng năm 2024, nhà máy Z183 (Bộ Quốc phòng) đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng

Thanh Hóa: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho ngành thép

Lai Châu: Kiểm tra hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn

Bài 3: Đáp ứng kỳ vọng, tạo động lực phát triển mới