Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Các chuỗi TPAT được phát triển tại nhiều địa phương |
Hiện có gần 50 địa phương trên cả nước triển khai mô hình liên kết chuỗi cung ứng TPAT, với hơn 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, TPAT đã được công nhận. Chuỗi cung ứng TPAT được kiểm soát tất cả các khâu, từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm, như: Trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Các công đoạn đều áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về an toàn thực phẩm.
Điển hình trong chuỗi tiêu thụ TPAT có thể kể đến: Rau hữu cơ của Công ty Tâm Đạt, tiêu thụ rau của Công ty TNHH Aki Việt Nam; liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cung cấp cho thị trường trên 0,33 tấn/ngày; cửa hàng thực phẩm sạch 3F mỗi ngày cung cấp và tiêu thụ 2,74 tấn thịt lợn, 2,05 tấn thịt gà và 100.000 quả trứng gà... Đến nay, các chuỗi TPAT vẫn duy trì, không ngừng phát triển về số lượng tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng chủng loại hàng hóa.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn có thể phát huy hiệu quả từ việc thiết lập, kết nối cung - cầu, đưa TPAT đến tận tay người tiêu dùng…, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa xây dựng chuỗi cung ứng với sự tham gia của các kênh phân phối bán lẻ hiện đại và truyền thống; xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, thực hiện các chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững theo Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Đặc biệt, để DN phát triển bền vững, Vụ Thị trường trong nước cũng khuyến nghị các DN tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như VietGAP, HACCP, ISO và đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh tại hệ thống của bộ, ngành... Các tổ chức chính trị, xã hội cần nâng cao vai trò tuyên truyền, kết nối, giám sát để có thị trường nông sản an toàn. Chính quyền địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ truyền thống; tổ chức các vùng nông sản an toàn cung ứng cho kênh phân phối trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, tổ chức xã hội nghề nghiệp triển khai Chương trình kết nối để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm TPAT, tìm đầu ra ổn định cho nông sản an toan...