Ông Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Sau gần 20 năm, Luật Điện lực đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, và dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này được kỳ vọng tháo gỡ những tồn tại, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân… Từ góc độ nghiên cứu, xin ông cho biết đánh giá về vấn đề này?
Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 04 lần, sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Nhân viên Điện lực kiểm tra tại trạm cắt. Ảnh PC Hưng Yên |
Sửa đổi Luật Điện lực cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Và với Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này, chúng tôi cho rằng tương đối toàn diện, phù hợp với xu thế mới của sản xuất kinh doanh điện trên thị trường, đặc biệt là liên quan đến năng lượng tái tạo, phát triển điện mặt trời hay xử lý những tồn tại của các dự án điện. Đây là những vấn đề rất nóng trong thời gian vừa qua.
Về việc đi theo cơ chế thị trường, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này cũng đã có hướng tới. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, chúng tôi cho rằng, cần có những văn bản cụ thể hơn, từ đó, làm rõ được cơ chế thị trường trong hoạt động sản xuất và kinh doanh điện.
Luật Điện lực lần này đã bổ sung quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ theo hướng giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá giữa các vùng miền và nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Xin ông cho biết ý kiến về việc này?
Thực tế, vấn đề này đã được nhiều chuyên gia đưa ra, đặc biệt là bù chéo giữa điện sản xuất và điện tiêu dùng vẫn cứ vướng mắc mãi. Tôi cho rằng, cùng với bù chéo giữa các vùng miền thì việc bù chéo sản xuất và tiêu dùng mới là vấn đề lớn.
Như chúng tôi vẫn nói nhiều lần, việc hỗ trợ, nếu chúng ta cứ cấp cho họ một khoản tiền, thì sẽ rõ ràng. Nhưng nếu hỗ trợ vào giá điện, các doanh nghiệp sản xuất sẽ nghĩ rằng đấy là giá điện họ mua bán. Như vậy, họ sẽ không nhìn thấy những sự hỗ trợ của nhà nước, của Chính phủ đối với sản xuất kinh doanh trong tiền điện.
Thực tế, việc đưa ra giá bán lẻ điện cho doanh nghiệp sản xuất thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân bán cho hộ gia đình hay thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất điện, đây là điều không hợp lý. Bởi đã là kinh tế thị trường thì chúng ta cần đi theo cơ chế thị trường, chứ không thể giá bán điện cho doanh nghiệp sản xuất thấp hơn giá bán lẻ điện cho hộ tiêu dùng, thậm chí là lỗ.
Mặt khác, chính việc bán điện giá rẻ khiến các doanh nghiệp cứ sử dụng máy móc, thiết bị, công cụ tiêu tốn nhiều điện năng. Họ không nghiên cứu, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đây cũng là vấn đề rất lớn.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có vai trò quan trọng thế nào trong vấn đề xử lý tồn tại dự án điện, phát triển điện mặt trời, dự án điện gió, thưa ông?
Trong Luật Điện lực (sửa đổi) lần này cũng đã đề cập đến vấn đề xử lý mua bán ra sao, ai được mua bán, mua bán ở mức độ nào. Việc này phù hợp với việc phát triển năng lượng tái tạo cũng như điện gió, điện mặt trời.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh |
Thực tế, các doanh nghiệp bây giờ muốn sản xuất điện dư thừa bán ra cho bên ngoài, nhà nước phải mua hết. Việc này cũng rất khó. Vì điện khác với các mặt hàng khác. Điện gió, điện mặt trời phụ thuộc vào thời điểm, khi có nắng, nắng gắt thì dư thừa, trong khi đến đêm lại không có. Việc này rất khó cho các nhà điều tiết điện. Bởi họ phải có mức điện nền để đảm bảo duy trì mức cung ứng điện bình thường. Nếu có điện dư thừa mua thêm thì chỉ bổ sung trong một khoảng thời gian. Nên việc mua bán phải tiến hành như thế nào để các doanh nghiệp sản xuất điện nền có thể sản xuất liên tục?
Vì vậy, việc mua bán điện mặt trời trong giới hạn phù hợp cũng là hợp lý. Đồng thời, các doanh nghiệp ngoài sản xuất điện, cũng cần xây dựng bộ phận lưu trữ điện để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Theo dự thảo, Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó nêu cụ thể thẩm quyền theo từng mức điều chỉnh giá. Thời gian điều chỉnh giá cũng được rút xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng hiện nay, ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?
Việc điều chỉnh giá điện rút ngắn từ 3 tháng xuống 6 tháng cũng đã được chúng ta áp dụng trên thực tiễn. Thực tế, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương, EVN có sự điều chỉnh giá điện cho phù hợp, với thời gian điều chỉnh từ 5-6 tháng xuống 3 tháng.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, mọi việc đều công khai minh bạch, đâu là yếu tố làm tăng giá điện, việc tăng giá điện bao nhiêu,… Từ đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp. Kinh tế thị trường, quan trọng nhất là cạnh tranh. Nếu như chúng ta tạo ra được sự cạnh tranh giữa các nhà phát điện, việc mua bán, phân phối điện, khi đó, việc độc quyền sẽ không còn nữa. Điều này, sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV lần này, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần chắc chắn và kỹ lưỡng, ông bình luận gì về việc này?
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã được đưa ra đóng góp ý kiến khá nhiều lần. Các Luật đưa ra lấy ý kiến thông thường cũng được thông qua ở 1 kỳ họp, chứ không bắt buộc hai kỳ họp mới thông qua.
Do đó, khâu chuẩn bị xây dựng dự thảo Luật là quan trọng nhất. Sau khi lấy ý kiến từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp,… Cơ quan soạn thảo Luật sẽ trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp.
Dự kiến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sẽ thông qua 15 luật, cho ý kiến lần đầu đối với 13 luật. Nhiều dự thảo luật như: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Điện lực, với nhiều nội dung mới cũng được các Đại biểu Quốc hội quan tâm.
Các đại biểu Quốc hội phát huy trách nhiệm cao nhất trong nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, cho ý kiến và xem xét thông qua các dự án luật, trong đó có Luật điện lực (sửa đổi) nhằm bảo đảm ban hành được những đạo luật tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn là hết sức quan trọng.
Có thể thấy dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) không chỉ liên quan đến riêng lĩnh vực điện mà còn liên quan đến sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội,… Ví dụ, trong sản xuất, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tác động ngay như: Đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất để xanh hóa nền kinh tế,… Vì vậy, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ là căn cứ để các Luật khác có thể thực hiện một cách tốt hơn, làm cho các mục tiêu của nền kinh tế được thực hiện một cách đồng bộ.
Mọi việc đều có 2 mặt. Như câu chuyện tăng giá bán lẻ điện cho doanh nghiệp sản xuất, điều này sẽ tác động làm cho các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn. Nhưng cùng với khó khăn đó thì có một yếu tố rất tích cực đó là buộc doanh nghiệp phải tiết kiệm điện. Doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ tác động tốt cho xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Theo đó nhìn nhận một cách cân đối, nếu cái gì có lợi hơn thì chúng ta sẽ làm theo. Và chúng ta đang đi theo cơ chế thị trường, do đó, chúng tôi mong muốn rằng, các yếu tố thị trường sẽ quyết định đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện.
Việc sửa đổi Luật Điện lực không chỉ mang lại lợi ích cho ngành điện mà còn có tác động tích cực đến kinh tế xã hội nói chung. Cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thêm vào đó, các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trong lĩnh vực này.
Theo đánh giá của các Đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ công phu, nội dung đã bám sát 06 nhóm chính sách đã được xem xét thông qua trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đây là dự án luật lớn, với 130 Điều, tuy nhiên, để xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp cơ quan soạn thảo cần tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thiện các vấn đề đã chín, đã rõ để xem xét; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến chính sách của nhà nước về phát triển năng lượng, phạm vi điều chỉnh, quy hoạch đầu tư các dự án phát triển điện lực.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, chúng tôi cũng kỳ vọng Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV này.
Xin cảm ơn ông!