Petrovietnam tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ điện gió ngoài khơi
Những thành công bước đầu
Mới đây, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đến thăm khu vực chế tạo chân đế cho dự án điện gió ngoài khơi tại cảng Dịch vụ Dầu khí PTSC, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nghe giới thiệu về dự án |
Hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho Dự án Greater Changhua CHW2204 Đài Loan (Trung Quốc) được ký kết giữa Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) vào ngày 19/5/2023.
Theo thỏa thuận, PTSC sẽ sản xuất 33 kết cấu móng chân đế hút chân không (suction bucket) cho tuabin. Các cấu kiện này là giải pháp thân thiện với môi trường, sử dụng thiết kế tiên tiến riêng của Orsted. Các kết cấu móng trụ tuabin sẽ được lắp đặt tại trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 vào cuối năm 2025. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Cảng Dịch vụ Dầu khí PTSC |
Để phục vụ dự án, PTSC đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để xây dựng khu vực sơn lớn nhất Đông Nam Á, mỗi khu vực sơn cao tương tương tòa nhà 15 tầng, để có thể đưa các trụ điện gió vào theo phương thẳng đứng. Sơn trụ điện gió theo phương thẳng đứng và sơn tổng thể sau khi hoàn thiện đảm bảo nước sơn chống chọi được với khí hậu nóng ẩm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hạn chế sự ăn mòn của gió biển ngoài khơi. Việc hàn các tấm thép dày gần 30 li cũng đòi hỏi thợ phải có tay nghề rất cao và mỗi trụ điện dùng hết khoảng 12 tấn que hàn.
Đây là lần đầu tiên công nghệ tiên tiến sản xuất móng chân đế hút chân không được triển khai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công nghệ này sẽ là nền tảng cho việc sản xuất nguồn năng lượng xanh đáng tin cậy trong những thập kỷ tới.
Dự án điện gió ước tính sử dụng 70.000 tấn thép và mang lại hàng nghìn việc làm tại PTSC và các nhà thầu trong chuỗi cung ứng.
Trên công trường chế tạo chân đế điện gió |
Tạo nền móng cho ngành công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo
Có thể nói việc ký kết và thực hiện hợp đồng cho dự án CHW2204 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử hoạt động và phát triển của PTSC nói riêng và ngành dầu khí nói chung. Đánh dấu sự thay đổi tư duy, chuyển dịch và mở rộng mô hình sản xuất từ đơn chiếc sang sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, năng suất cao, chu trình sản xuất theo chuỗi khép kín hoàn toàn khác biệt với dầu khí truyền thống.
Bên cạnh đó, cũng khẳng định năng lực của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật của Việt Nam trong việc triển khai các dự án công nghiệp mới; áp dụng và làm chủ các công nghệ mới của bất kỳ lĩnh vực nào.
Đặc biệt, việc chế tạo thành công các cấu kiện phục vụ thị trường điện gió ngoài khơi sẽ tạo nền móng quan trọng cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang triển khai quyết liệt việc chuyển đổi năng lượng, và thực hiện cam kết Net Zero.
Các chuyên gia cho rằng, với lợi thế địa lý có đường bờ biển dài hơn 3400 km, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vô số đảo và tiểu hải đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế biển, tạo thành nền tảng tốt cho việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng gió biển – đặc biệt trong sản xuất điện năng. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, công suất tiềm năng của ĐGNK tại Việt Nam đạt khoảng 475 GW, trong đó, lượng gió tốt tập trung ở các vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc bộ.
Đánh giá cao những nỗ lực của PTSC, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cũng bày tỏ sự tin tưởng vào trình độ tay nghề, cách làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật của PTSC. Ông cũng đề nghị lãnh đạo PTSC phải chú ý bảo đảm tuyệt đối an toàn vì thành công của dự án này sẽ là cánh cửa mở ra cho PTSC trở thành nhà chế tạo thiết bị điện gió có uy tín trên khu vực.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo mới hình thành và còn tiềm năng rất lớn, do đó, nếu có chính sách phát triển sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp tham gia, giúp hình thành thị trường và cả ngành công nghiệp hỗ trợ về lĩnh vực này.
Được biết, cho đế nay, Việt Nam đã có nhà máy sản xuất tuabin điện gió ở Hải Phòng phục vụ xuất khẩu; các nhà máy sản xuất tấm pin và cấu kiện cho hệ thống năng lượng mặt trời ở nhiều nơi. Ở một số địa phương miền Trung như Ninh Thuận đã có dự kiến đầu tư về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo.