Vì sao doanh nghiệp Na Uy quan tâm phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?
Trọng điểm hợp tác kinh tế Việt Nam - Na Uy
Trong những năm gần đây, điện gió ngoài khơi đã trở thành một trong những lĩnh vực trọng điểm trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Na Uy. Với cam kết mạnh mẽ của cả hai quốc gia trong việc giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp Na Uy đã tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Theo bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, hợp tác thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ, với kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 3 lần trong vòng một thập kỷ qua.
Điều này cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Na Uy đối với thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển bền vững như năng lượng tái tạo.
"Na Uy và Việt Nam đều cam kết mạnh mẽ giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris. Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, còn Na Uy hướng tới trung hòa carbon vào năm 2030. Trong khuôn khổ triển khai Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Na Uy và các nước thành viên G7 cam kết hỗ trợ Việt Nam loại bỏ than, phát triển năng lượng tái tạo với khoản đầu tư 250 triệu USD", Đại sứ Na Uy chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. |
Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Na Uy đang chia sẻ mô hình phát triển của mình với Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng là quy hoạch không gian biển – một công cụ chiến lược giúp tối ưu hóa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội trong việc khai thác năng lượng tái tạo.
"Na Uy huy động sự tham gia của các bên liên quan để tích hợp lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội vào kế hoạch tổng thể. Với ngành điện gió ngoài khơi, chúng tôi áp dụng cách tiếp cận từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giúp giảm rủi ro và nâng cao hiệu quả. Đây cũng là bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng", bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy nhấn mạnh.
Hướng đi chiến lược cho hợp tác năng lượng Việt Nam - Na Uy
Dù tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là rất lớn, song vẫn tồn tại nhiều thách thức. Một trong số đó là sự cần thiết phải có các chính sách rõ ràng về khung pháp lý, cơ chế giá điện và các biện pháp đảm bảo an toàn vốn đầu tư.
Để giải quyết những rào cản này, Na Uy không chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư mà còn là đối tác chiến lược hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung chính sách phù hợp.
"Chính phủ hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, nhà đầu tư cần môi trường đầu tư thuận lợi với khung pháp lý rõ ràng, khả thi. Trong lĩnh vực năng lượng, dù đã có cải thiện, Việt Nam vẫn cần các quy định cụ thể hơn về cơ chế giá, nguồn điện…", Đại sứ Na Uy nhận định.
Một trong những doanh nghiệp Na Uy quan tâm đến thị trường Việt Nam là DNV – công ty hàng đầu trong lĩnh vực đánh giá và kiểm định an toàn hàng hải. Ông Lukasz Luwanski, Giám đốc Hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương của DNV, chia sẻ: "Việt Nam là một thị trường rất quan trọng cho ngành đóng tàu và năng lượng ngoài khơi. Để có thể thích ứng và đóng góp vào xu thế xanh hóa ngành, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các quy định sắp tới về giảm phát thải carbon của Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Những tiêu chuẩn mới này sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2027 và áp dụng cho tất cả các công ty trên thế giới, không chỉ giới hạn ở châu Âu. Nếu không tuân thủ, các công ty có thể sẽ bị phạt".
Nhiều doanh nghiệp Na Uy đã tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Ảnh: Minh Anh |
Cùng quan điểm, ông Jorge Veiga, Giám đốc Kinh doanh của công ty Brodrene AA (Na Uy), nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ và vật liệu tiên tiến trong ngành hàng hải và năng lượng tái tạo: "Chúng tôi mang đến một loạt vật liệu đóng tàu mới, như sợi carbon, có thể được sử dụng cho các tàu cao tốc và tàu du lịch. Sợi carbon nhẹ, chắc chắn và giảm nhu cầu bảo trì đáng kể. Quan trọng hơn, nó giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể, dù tàu chạy bằng nhiên liệu nào. Chúng tôi rất vui khi thấy các đối tác Việt Nam quan tâm đến công nghệ này, bởi vì hàng hải xanh đang trở thành xu hướng quan trọng trên toàn cầu".
Rõ ràng, sự quan tâm của các doanh nghiệp Na Uy đối với Việt Nam không chỉ nằm ở tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi mà còn mở rộng sang các lĩnh vực liên quan như đóng tàu, vận tải biển xanh và chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.
Hợp tác này không chỉ giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường chuyển đổi năng lượng mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái bền vững, giảm thiểu tác động môi trường trong lĩnh vực hàng hải và năng lượng.
Với việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Na Uy mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, có thể kỳ vọng rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trung tâm quan trọng của điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á.
Điều quan trọng là cả hai bên cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại chính sách, xây dựng khung pháp lý vững chắc và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra hiệu quả và bền vững.
Na Uy là quốc gia vận tải biển có bề dày lịch sử lâu đời và hiện đang dẫn đầu xu hướng xanh hóa trong lĩnh vực hàng hải toàn cầu. Cụm công nghiệp hàng hải của Na Uy được coi là một trong những cụm chuyên ngành toàn diện nhất thế giới bao gồm tất cả các chủ thể liên quan như hãng tàu, công ty môi giới, dịch vụ bảo hiểm và tài chính, tổ chức đánh giá phân loại... Không chỉ vậy, Na Uy còn nổi tiếng trên thế giới về trình độ chuyên môn cùng các giải pháp hàng hải bền vững, toàn hệ thống cụm hàng hải đang nỗ lực hết mình vì mục tiêu giảm phát thải carbon. |