Ảnh minh họa |
Tổng đàn heo hiện tại ở Đồng Nai khoảng 1,5 triệu con, trong đó, hơn 80% là chăn nuôi công nghiệp, còn lại chăn nuôi nhỏ lẻ và thành phần này thường dùng chất tạo nạc để nuôi heo. Bên cạnh đó, địa phương này tồn tại khoảng 100 lò mổ gia cầm, gia súc lậu. Heo đưa vào các lò mổ này đa số không rõ nguồn gốc, đây cũng chính là “đầu ra” của các heo nuôi sử dụng chất tạo nạc.
Trước thực trạng chất tạo nạc được dùng tràn lan, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm soát tồn dư chất cấm ở chợ, bếp ăn tập thể; điều tra đối tượng vận chuyển, giết mổ và đề xuất khen thưởng những đơn vị, cá nhân phát hiện đối tượng sản xuất, mua bán, sử dụng chất cấm. Bên cạnh đó, ngày 7/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương kiểm tra chặt, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; thành lập đoàn kiểm tra tại cơ sở chăn nuôi, giết mổ, phối trộn thức ăn, sản xuất thuốc thú y thủ công, khi phát hiện chất cấm phải công khai ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng và xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế vì nhiều năm qua, không ít văn bản chỉ đạo, nhiều đoàn kiểm tra được thành lập nhưng việc sử dụng chất tạo nạc không giảm, thậm chí còn tăng.
Nguyên nhân chủ yếu do chế tài xử phạt còn nhẹ. Theo Điều 36, Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi: “Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ”; “Buộc chủ chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ”. Với quy định này, nhiều cơ sở chăn nuôi sẵn sàng nộp phạt để… sai phạm.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp cho rằng: Sử dụng chất tạo nạc để nuôi heo là tội ác. Muốn giải quyết tận gốc vấn nạn này, cần nâng mức xử phạt lên gấp nhiều lần.
Theo Tiến sĩ Kiều Minh Lực - Giám đốc Trung tâm Di truyền giống (Công ty CP Việt Nam), để loại bỏ chất tạo nạc, nhà nước cần tuyên truyền, hỗ trợ để người dân chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp khép kín. Ông Phạm Đức Bình - phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – nhấn mạnh: Nếu không sớm xử lý triệt để thì ngành công nghiệp chăn nuôi heo sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Loại bỏ chất tạo nạc, nhà nước cần tuyên truyền, hỗ trợ để người dân chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp khép kín. |