WinCommerce đẩy mạnh hợp tác với các nhà sản xuất, khai thác tiềm năng tiêu dùng nội địa |
WinCommerce tiếp tục triển khai chiến lược “giá tốt” đồng hành cùng người tiêu dùng |
Ông Michael Hung Nguyen - Phó Tổng giám đốc tập đoàn đã chia sẻ về hành trình bước đầu “hái trái ngọt” kể từ khi mua lại WinCommerce - công ty vận hành chuỗi WinMart/WinMart+/WiN trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
“Cuối năm 2019, khi Masan quyết định bước chân vào thị trường bán lẻ, giá cổ phiếu của Masan đã đi xuống nhiều, các nhà đầu tư cho rằng Masan đang đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan, thị trường bán lẻ vẫn chưa tạo dựng lòng tin. Thời gian đó, EBITDA của WinCommerce là âm 7% và bây giờ chỉ số này đang là dương 4% có nghĩa là thay đổi 11% trong vòng 4 năm sau khi WinCommerce được Masan mua lại. Chúng tôi hy vọng Quý III, WinCommerce sẽ đạt lợi nhuận dương”. Ông Michael Hung Nguyen cho biết.
Bước đầu “hái trái ngọt” của ông lớn ngành bán lẻ Việt
“Hy vọng” này được cho là khá khiêm tốn khi đại diện Masan chia sẻ trong cuộc họp với các nhà đầu tư mới đây: “WinCommerce tiếp tục mang về lợi nhuận trong tháng 8 năm 2024. Tăng trưởng LFL của hệ thống siêu thị mini đạt hơn 10%”. Như vậy, WCM đã liên tục mang về lợi nhuận trong 3 tháng 6,7 và 8 năm 2024. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược bán lẻ của WinCommerce khi các phát kiến đổi mới và tối ưu vận hành đã mang lại lợi nhuận bền vững.
Người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm của Masan |
WinCommerce (WCM), công ty sở hữu chuỗi WinMart/ WinMart+/ WiN, thuộc Tập đoàn Masan, đã nâng cao vị thế của mình trong ngành bán lẻ kể từ khi nhận chuyển giao vào năm 2019. Đến cuối tháng 6/2024, WinCommerce vận hành gần 3.700 siêu thị, bao phủ 62/63 tỉnh thành, là doanh nghiệp sở hữu điểm bán lớn nhất Việt Nam, chiếm 50% tổng số siêu thị bán lẻ hiện đại. Sau 10 năm hoạt động, chuỗi ghi nhận doanh thu hàng năm trên mức tỷ USD, tương đương khoảng 26.000-31.000 tỷ đồng.
Trong quý II/2024, WinCommerce đạt 7.844 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) tăng 11,1% lên 172 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Masan thông báo WinCommerce đã có lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 8/2024.
Sau khi hoàn thành tái cấu trúc doanh nghiệp, công ty đặt mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa WinCommerce cần mở trung bình 1.000 cửa hàng mỗi năm để tăng gấp ba lần quy mô hiện tại. Trong năm 2024, lãnh đạo WCM kỳ vọng 80% cửa hàng sẽ có lãi và mảng bán lẻ đang ghi nhận lợi nhuận hoạt động đầu tiên kể từ khi mua lại.
Như vậy, sau 10 năm vận hành, chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã cho "trái ngọt", đánh dấu sự khởi đầu của một lộ trình tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Quỹ từ thiện của Bill Gates là cổ đông Masan Consumer
Qua đó, ông Michael Hung Nguyen cho rằng để thực hiện M&A thành công, hay gia tăng cơ hội huy động vốn thành công, doanh nghiệp cần phải có chiến lược rõ ràng khiến nhà đầu tư có thể hiểu và tin được. Ông cũng tự hào chia sẻ thêm về khoảng thời gian làm việc của mình tại Masan: “Trong 17 năm tôi gia nhập Masan, tập đoàn đã huy động vốn thành công xấp xỉ 5 tỷ đô. Masan tự hào có các nhà đầu tư như KKR, TPG, SK group đều đầu tư nhiều lần vào Masan và hướng tới sự hợp tác lâu dài.”
Khách hàng mua sắm tại Winmart |
Gần đây, trong số các nhà đầu tư lớn “rót” tiền vào Masan, còn xuất hiện một cái tên quen thuộc, quỹ tỷ đô Bill & Melinda Gates Foundation Trust. Trong văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc chia thêm cổ tức bổ sung năm 2023, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MCH), công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan, tiết lộ danh sách cổ đông có quyền biểu quyết. Trong đó, quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation Trust của vị tỷ phú này đang giữ hơn 1,04 triệu cổ phiếu MCH, tương đương hơn 0,14%. Đây là cổ đông lớn thứ 11 của Masan Consumer.
Được biết, ngoài Masan Consumer, Bill & Melinda Gates Foundation Trust chưa từng trực tiếp nắm giữ cổ phiếu của bất kỳ doanh nghiệp Việt nào.
Cùng với chuỗi bán lẻ hiện đại WinCommerce, Masan Consumer là trụ cột tăng trưởng chính của Masan, hiện đang sở hữu 5 thương hiệu đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, gồm Chin-su, Omachi, Kokomi, Nam Ngư và WakeUp 247. 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt doanh thu khoảng 13.968 tỷ và lãi sau thuế 3.458 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,6% và 13,5% so với cùng kỳ 2023. Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô, thực hiện chiến lược "Go Global" và trở thành công ty hàng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ mô hình FMCG mới.
Năm 2024, Tập đoàn Masan dự kiến đạt doanh thu thuần hợp nhất 84.000-90.000 tỷ đồng, tăng 7-15% so với cùng kỳ năm 2023. Còn lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số, dự kiến đạt 2.290-4.020 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 17% và gấp đôi so với năm 2023.