Nới chính sách để phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa tại Lâm Đồng
Công tác quản lý lễ hội cấp địa phương còn vướng mắc
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, công tác quản lý tổ chức và hoạt động lễ hội: Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ là hành lang pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân trên toàn quốc nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng áp dụng và triển khai thực hiện.
Nghị định đã đưa ra những quy định chặt chẽ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; phân cấp trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội, cộng đồng địa phương; đặc biệt là quy định tạm ngưng về tổ chức lễ hội, đây là biện pháp mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi biến tướng, lộn xộn khi triển khai quản lý lễ hội.
Tuy nhiên, căn cứ quy định, các lễ hội ở cấp địa phương hiện nay hầu hết chỉ đăng ký hoặc thông báo với chính quyền cùng cấp, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào tham gia trong việc tổ chức lễ hội. “Cách thức chỉ đăng ký hoặc thông báo với chính quyền cùng cấp, cũng như việc tạm ngừng tổ chức lễ hội khi có sai phạm sẽ gặp khó khăn khi triển khai ở địa phương”, UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận.
Lâm Đồng bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. |
Xây dựng cơ chế, thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Theo đó, ngày 4/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có vản bản gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa.
Trong văn bản này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, xem xét một số nội dung, trong đó đề nghị xem xét, điều chỉnh chính sách để gia tăng phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phê duyệt các dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình hoặc các hạng mục công trình di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn cấp tỉnh sau khi có ý kiến thẩm định dự án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai các dự án theo phân kỳ đã được phê duyệt, nhằm giảm thiểu việc thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản; khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng công lập, tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; có chính sách hỗ trợ, tôn vinh những tổ chức, cá nhân, nghệ nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích và thực hành, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể.
Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn và chuyên sâu về các lĩnh vực: quản lý di tích; quản lý di sản văn hóa phi vật thể; hướng dẫn xây dựng hồ sơ; hướng dẫn thực hiện Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa;
“Cần mở rộng chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể. Cần có quy định về cơ chế, chính sách tạo môi trường và động lực để nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền bá những giá trị văn hóa phi vật thể tới cộng đồng và xã hội”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S kiến nghị tại văn bản.
Cần tạo môi trường và động lực để nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền bá những giá trị văn hóa phi vật thể tới cộng đồng và xã hội. |
Theo đó, cần nghiên cứu cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý di sản văn hóa hiện nay theo một cơ chế tách bạch, thực hiện được ba chức năng lớn: bảo vệ, trùng tu, khai thác; Trong quản lý, thực thi chính sách pháp luật về văn hóa, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về văn hóa cho người dân; phối hợp tốt trong xử lý, giải quyết các vấn đề nhạy cảm về văn hóa liên quan đến tôn giáo, dân tộc;
Ngoài ra, quan tâm, hỗ trợ, bố trí ngân sách của Trung ương để trùng tu, tôn tạo di tích được xếp hạng các cấp trên địa bàn tỉnh; gia tăng mức đầu tư kinh phí cho xây dựng, trưng bày và tổ chức hoạt động của hệ thống bảo tàng;
Việc hồ sơ đề nghị thỏa thuận chủ trương lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích chưa có hướng dẫn chi tiết; thời hạn thỏa thuận, phê duyệt các dự án kéo dài, gây ra khó khăn đối với các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, nhất là các di tích cần tu bổ cấp bách. Do đó, cần có cơ chế, phân cấp cho các địa phương về việc tu bổ, tôn tạo và lập quy hoạch đối với các di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia để triển khai được thuận tiện hơn.