Nỗ lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Quyết định phê duyệt Chương trình OCOP như là một nhiệm vụ bổ sung và giải pháp đột phá cho thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Hà Nội: Đi đầu cả nước về triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" Longform | Bắc Giang: Tăng “sao” cho sản phẩm OCOP

Những thành tựu đáng ghi nhận

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) như là một nhiệm vụ quan trọng bổ sung và giải pháp đột phá cho thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nước ta, hướng tới phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương, với 3 mục tiêu rõ ràng là góp phần: (1) Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; (2) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; (3) Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Nỗ lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Chương trình OCOP thúc đẩy sản xuất đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, sản xuất xanh, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn

Ngay trong năm 2018, Chương trình OCOP được Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM tổ chức triển khai, với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành và các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tập trung vào 6 ngành hàng dịch vụ thuộc các lĩnh vực cơ bản và phổ biến ở vùng nông thôn gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải - may mặc, thủ công mỹ nghệ, du lịch nông thôn kết hợp bán hàng.

Kết thúc giai đoạn đầu triển khai Chương trình OCOP (2018-2020), tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và triển khai đề án, kế hoạch OCOP cấp tỉnh, với số tiền huy động được cho Chương trình này là 22.845 tỷ đồng. Số lượng chủ thể cung ứng sản phẩm OCOP và số lượng sản phẩm OCOP đều tăng nhanh qua các năm. Trong số 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, kinh tế tư nhân chiếm 59%, còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 41%. Cả nước đã có 20 sản phẩm thuộc 11 tỉnh/thành phố được xếp hạng 5 sao cấp quốc gia (chiếm khoảng 1,6%). Tất cả các sản phẩm OCOP bán qua sàn Lazada đều được khách hàng vote 5 sao...

Đến tháng 2/2022, số lượng chủ thể và số sản phẩm OCOP cũng lần lượt tăng đến gần 4,8 lần và 5,7 lần so với thời điểm cuối năm 2019, số lượng sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao tăng với tốc độ mạnh nhất (6,62 lần), trong khi sản phẩm xếp hạng 5 sao và 3 sao có mức độ tăng ngang nhau và ở mức thấp hơn (5,3 và 5,38 lần). Giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Riêng 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm...

Tính đến tháng 8/2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 0,2% sản phẩm 5 sao với 4.351 chủ thể OCOP.

Tính đến ngày 30/6/2023, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (nhiều địa phương đã kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh và hướng dẫn phân cấp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cho cấp huyện theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 25/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận). Bên cạnh đó, đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước); vùng miền núi phía Bắc (chiếm 19,8%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 18,4%).

Về tổng thể, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất.

Danh mục các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, bắt mắt, đa dạng, độc đáo, kết hợp và phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu và giá bán ngay cả vào những thời điểm khó khăn vì dịch bệnh; góp phần cải thiện thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân thành thị, nông thôn, các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được uy tín, giá trị và vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm OCOP 5 sao đã được lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước..

Chương trình cũng tạo ra sức hút và lan toả cho sự phát triển, đầu tư du lịch trong cả nước, thúc đẩy sản xuất đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, sản xuất xanh, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Triển vọng và giải pháp cần có

Tuy nhiên, phát triển Chương trình OCOP phải trên cơ sở cung - cầu, gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền; dựa vào giá trị đặc sắc bản địa, đồng thời hướng đến thị trường toàn cầu, tuyệt đối không chỉ làm theo phong trào hoặc lối mòn; tăng cường công tác giám sát sau công nhận OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng. Thậm chí trong quá trình đưa sản phẩm OCOP ra thị trường vẫn cần tiếp tục kiểm tra, nếu sản phẩm không đảm bảo, kiên quyết loại ra khỏi chương trìnhản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới của Trung ương, cả nước phấn đấu đến năm 2025 ít nhất có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm đạt 5 sao; Có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn; ít nhất có 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.

Thực tế cũng cho thấy, để đạt được các mục tiêu trên và phát huy động lực, hiệu quả Chương trình OCOP, cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ, quán triệt nghiêm túc và triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP đa dạng hoá và đa giá trị.

Thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm” là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, có điểm khởi đầu, nhưng không có dừng nghỉ, kết thúc trên hành trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới. Điều này cần được các cấp, ngành địa phương liên quan nhận thức đầy đủ, quán triệt nghiêm túc và tránh việc triển khai Chương trình một cách thờ ơ hoặc chiếu lệ, theo phong trào hoặc lối mòn, mà thiếu quan tâm đầu tư về mọi mặt phát triển sản phẩm mới, gắn với vùng nguyên liệu.

Đặc biệt, việc lựa chọn sản phẩm cần dựa trên những đặc trưng, lợi thế của địa phương, không chỉ lựa chọn các sản phẩm sẵn có tham gia Chương trình OCOP, mà cần nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm mới, coi trọng cả chất lượng lẫn tính bắt mắt của sản phẩm; chú ý khai thác các lợi thế về sản vật, ngành nghề truyền thống và dịch vụ du lịch để cộng hưởng các tiềm năng và lan toả các tác động và hiệu quả của thực hiện OCOP trên các địa phương vùng và cả nước; tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, sản phẩm tích hợp đa giá trị, sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, khai thác các giá trị riêng có của sản phẩm để tạo sự khác biệt về sức cạnh tranh trên thị trường gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

Đồng thời, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế, khoa học công nghệ nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP.

Phát triển Chương trình OCOP phải trên cơ sở cung - cầu, gắn với giá trị đặc sắc bản địa và điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền, hướng đến thị trường toàn quốc và toàn cầu.

Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện sơ sở pháp lý, trước hết là Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, hướng dẫn đánh giá phân hạng sản phẩm tại địa phương đảm bảo thực chất; tăng cường công tác giám sát sau công nhận OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm OCOP trên thị trường; kiên quyết loại ra khỏi Chương trình các sản phẩm không đảm bảo theo quy định.

Chú ý xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Công tác xúc tiến thương mại cần tiến hành đồng bộ và chuyên nghiệp; đẩy mạnh quảng bá và các hoạt động truyền thông, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tổ chức các hội chợ...; chú ý cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về chất lượng, giá cả, ưu điểm nổi trội, tính độc đáo và đặc sắc văn hoá của sản phẩm OCOP để tạo hình ảnh, thương hiệu mới, gây ấn tượng đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh việc tổ chức tiêu thụ trực tiếp, cần chú ý đa dạng hoá, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm; phát triển các kênh tiêu thụ chuyên nghiệp, các doanh nghiệp và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thực hiện cung ứng đầu vào và thu mua, phân phối tiêu thụ các sản phẩm theo kế hoạch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kết hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan khác tập trung xây dựng hệ thống thông tin sản phẩm, các sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thường niên, đồng bộ và kết nối từ Trung ương đến địa phương; tổ chức tham gia các hội chợ quốc tế, các diễn đàn, hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; nâng cao năng lực hệ thống logistic trong thương mại sản phẩm.

Thứ ba, tăng cường liên kết các chủ thể và phát triển các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ OCOP.

Triển khai OCOP liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực (xúc tiến thương mại, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thông tin truyền thông,...), bởi thế, cần tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hoá mô hình liên kết 4 nhà; đa dạng hoá các loại hình kinh tế tham gia OCOP, trong đó hợp tác xã và doanh nghiệp phải là "đầu tàu" trong liên kết nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm một cách chủ động.

Tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho các chủ thể về hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình OCOP, kinh nghiệm quản lý và kinh doanh, phương thức kinh và tạo lập, củng cố các mối liên kết lại giữa các chủ thể để tạo dựng một cộng đồng OCOP cùng có tiếng nói chung trong việc đề xuất, kiến nghị với các cấp lãnh đạo trong phát triển kinh tế địa phương.

Cần gia tăng các liên kết cung ứng-tiêu thụ giữa các địa phương và doanh nghiệp, hộ sản xuất với các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại và sản thương mại điện tử...

Chú ý xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ chuyên gia tư vấn giỏi của Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ban, ngành khác để cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan OCOP cho các địa phương và chủ thể cung ứng sản phẩm OCOP; phát huy vai trò quan trọng của chính quyền xã trong việc tham gia tích cực trong quảng bá và cung ứng ra thị trường trong nước và quốc tế các sản phẩm OCOP tại địa phương.

Tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực, sự hiểu biết của cán bộ các cấp và cộng đồng, người sản xuất, trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường và phát triển kinh tế xanh; tổ chức kết nối giao thương cho các chủ thể cung ứng sản phẩm OCOP, tích cực tôn vinh và bảo hộ cho sản phẩm OCOP, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

Cần lưu ý, việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay đang được tiếp cận và hiểu là bảo hộ dưới ba đối tượng là bảo hộ: Nhãn hiệu hàng hóa; tên thương mại và chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản OCOP. Pháp luật về sở hữu trí tuệ không có quy định riêng, quy trình riêng cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm nông sản OCOP mà thực hiện theo quy định chung của pháp luật sở hữu trí tuệ. Vì vậy, để bảo hộ được thương hiệu sản phẩm nông sản OCOP, người sản xuất phải quan tâm quy định pháp luật, tích cực thực hiện các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ như là biện pháp bảo vệ chính mình thông qua các quy định pháp luật.../.

TS. Nguyễn Minh Phong
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Chương trình OCOP

Tin cùng chuyên mục

Đà Nẵng: Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và chất

Đà Nẵng: Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và chất

Mỳ chũ Lục Ngạn – Bắc Giang: Tự hào sản phẩm OCOP

Mỳ chũ Lục Ngạn – Bắc Giang: Tự hào sản phẩm OCOP

Vĩnh Long: Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Vĩnh Long: Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Thanh Hóa: Nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển

Thanh Hóa: Nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển

KOTRA Hà Nội phối hợp cùng Paris Baguette Việt Nam quảng bá sản phẩm OCOP

KOTRA Hà Nội phối hợp cùng Paris Baguette Việt Nam quảng bá sản phẩm OCOP

Thúc đẩy sản phẩm OCOP Hậu Giang

Thúc đẩy sản phẩm OCOP Hậu Giang

Lâm Đồng: Macca Sao Vàng trên hành trình trở thành sản phẩm OCOP 5 sao

Lâm Đồng: Macca Sao Vàng trên hành trình trở thành sản phẩm OCOP 5 sao

Hơn 60% sản phẩm OCOP 4 sao đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Hơn 60% sản phẩm OCOP 4 sao đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bà Rịa – Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Bà Rịa – Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Quảng Nam: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Quảng Nam: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Infographic: Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP

Infographic: Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP

TP. Hồ Chí Minh: Hàng trăm sản phẩm OCOP hiện diện tại Hội Báo toàn quốc 2024

TP. Hồ Chí Minh: Hàng trăm sản phẩm OCOP hiện diện tại Hội Báo toàn quốc 2024

Đà Nẵng: Sản phẩm OCOP du lịch "hút" du khách

Đà Nẵng: Sản phẩm OCOP du lịch "hút" du khách

Cà Mau: Phấn đấu hỗ trợ nâng hạng ít nhất 15 sản phẩm OCOP đạt 4 - 5 sao

Cà Mau: Phấn đấu hỗ trợ nâng hạng ít nhất 15 sản phẩm OCOP đạt 4 - 5 sao

Ninh Thuận phấn đấu có thêm 20-30 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Ninh Thuận phấn đấu có thêm 20-30 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Nghệ An: Có thêm 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Nghệ An: Có thêm 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Thanh Hóa: Gần 1.000 loại sản phẩm nông nghiệp và OCOP phục vụ nhân dân mua sắm Tết

Thanh Hóa: Gần 1.000 loại sản phẩm nông nghiệp và OCOP phục vụ nhân dân mua sắm Tết

Thanh Hóa: Gần 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP phục vụ nhân dân mua sắm Tết

Thanh Hóa: Gần 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP phục vụ nhân dân mua sắm Tết

Lâm Đồng: Trao chứng nhận OCOP 4 sao cho 21 sản phẩm

Lâm Đồng: Trao chứng nhận OCOP 4 sao cho 21 sản phẩm

Đồng Tháp công nhận thêm 40 sản phẩm OCOP 4 sao

Đồng Tháp công nhận thêm 40 sản phẩm OCOP 4 sao

Xem thêm