Thứ sáu 22/11/2024 23:12

Nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023

Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm lại do sự suy giảm các động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực FDI và đầu tư công.

Theo Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, song Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực trong năm 2022...

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm lại do sự suy giảm các động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực FDI và đầu tư công. Đặc biệt, sự suy giảm hoặc tăng trưởng thấp ghi nhận ở nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô và địa phương đầu tầu kinh tế quan trọng, như GDP, sản xuất công nghiệp (giảm 2%); vốn FDI đăng ký mới và giải ngân (tương ứng giảm 7,3% và giảm 0,8%); dư nợ tín dụng; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%) và tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9%); số doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản xấp xỉ số doanh nghiệp đăng ký mới và trở lại hoạt động (bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, so với 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường); trong khi đó, thu ngân sách nhà nước, tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn chậm và đời sống một bộ phận người dân thêm khó khăn...

Nhiều nguyên nhân được nêu ra gắn liền với bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục phức tạp, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành; thị trường thế giới có nhiều biến động nhanh, khó lường; người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và sự sụt giảm đơn hàng phủ rộng, nhất là trong khu vực dệt may, da giày và chế biến; lãi suất vay cao và khó tiếp cận nguồn tín dụng; sự suy giảm niềm tin và khó khăn về thanh khoản, dòng tiền trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản; tình trạng né tránh, ngại trách nhiệm của cán bộ và sự cạnh tranh quốc tế gay gắt hơn...

Thực tế cũng cho thấy, dù được hỗ trợ tích cực bởi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%; thu hút 3,7 triệu lượt khách quốc tế...., song sự suy giảm động lực tăng trưởng còn là kết quả của độ mở nền kinh tế cao, trong khi sức chống chịu nội lực của doanh nghiệp thấp, việc chưa hài hoà lợi ích và ở sự phụ thuộc quá cao vào một nguồn động lực tăng trưởng, vào một đối tác hay thị trường...

Bởi vậy, cùng với yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thì nỗ lực và thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì động lực tăng trưởng kinh tế phải trở thành nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm trong những tháng cuối năm.

Theo đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh và linh hoạt phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại giữa các ngành và nội ngành, đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn; sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án công nghiệp trọng điểm, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Chủ động phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch bền vững; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương.

Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dệt may và da giày, cải thiện khả năng duy trì, đa dạng hoá và mở rộng thị trường xuất khẩu, cùng với nỗ lực của doanh nghiệp khai thác thị trường trong nước, tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và phát triển hệ thống phân phối trực tiếp hàng Việt trên các thị trường tiềm năng quốc tế; trong số các giải pháp thích ứng thì nổi bật là: Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, cân nhắc giảm thuế VAT và đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; nhanh chóng hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn, hài hoà lợi ích trong hoạt động tín dụng, tăng sự đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Đây còn là giải pháp tăng hiệu quả xã hội, bảo đảm an toàn và bền vững cho hệ thống tín dụng trước áp lực nợ xấu, nợ khó đòi ngày càng gia tăng, tránh tình trạng chỉ thấy cây mà không thấy rừng và sự đổ vỡ dây chuyền “domino” trong hoạt động tín dụng.

Đồng thời, tích cực xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt các quy hoạch, tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia..., tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư thu hút FDI... Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia;

Ngoài ra, cần tiếp tục chú trọng rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật; tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc và tham nhũng chính sách trong các quy định về phòng cháy, chữa cháy, kiểm định xe cơ giới, kinh doanh xăng dầu và cơ chế giá điện; tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Phát huy tính chủ đạo và định hướng của Trung ương, tính chủ động, linh hoạt của địa phương, người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội theo tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt"; khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, kịp thời phát hiện bất cập, những vấn đề mới phát sinh, có phản ứng chính sách và phản ứng thị trường kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.../.

TS. Nguyễn Minh Phong
Bài viết cùng chủ đề: kinh tế Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Doanh nghiệp phải sẵn sàng nguồn lực trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có tính liên thông, đồng bộ với các luật khác

Cảnh báo sớm: Doanh nghiệp không còn bị động trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt 10 tỷ USD

Tránh bị điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực - 'chìa khóa vàng' để tận dụng tối đa các FTA

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng hàng hoá trên sàn thương mại điện tử Temu

Ông Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện khí LNG

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Kỳ vọng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thành tích xuất nhập khẩu có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Ngành da giày cần đẩy mạnh mở rộng thị trường mới nhờ lợi thế từ các FTA

TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về hàng hoá dịp cuối năm

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Cần xử phạt nghiêm minh trường hợp trục lợi từ tăng giá điện

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Xuất khẩu xanh - 'Cuộc chơi' buộc doanh nghiệp phải thay đổi mình

Bà Nguyễn Thuý Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Nhà nước không điều hành chiết khấu xăng dầu

Xây dựng hệ sinh thái ngành thủy sản - ‘chìa khóa’ giải ‘bài toán’ tăng cơ hội tận dụng FTA

Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá phải hướng đến tăng thu ngân sách bền vững

Đâu là giải pháp để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024?

Ông Nguyễn Khắc Quyền: Bộ Công Thương cầu thị và trách nhiệm trong xây dựng chính sách kinh doanh xăng dầu