Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn diễn ra ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm |
Phiên chất vấn nghiêm túc, cầu thị
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tổng cộng đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và có 82 lượt đại biểu tranh luận, các thành viên Chính phủ, trong đó có 19 bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có thể coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
“Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao.
Qua phiên chất vấn cho thấy, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ quyết liệt. Đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững. Nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc là triển khai chưa có hiệu quả, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân của các tồn tại hạn chế có cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, tổ chức thực hiện, từ việc thiếu nguồn lực nhưng cũng có nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, thực thi nhiệm vụ.
Ngành Công Thương tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đối với lĩnh vực Công Thương, tiếp tục rà soát xử lý 12 dự án thua lỗ, bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước. Có giải pháp phù hợp để xử lý vướng mắc đối với từng dự án và tiếp tục thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, đánh giá hệ thống thủy điện, cương quyết xử lý các công trình dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, không thực hiện nghiêm quy trình về xả lũ. Triển khai các giải pháp về đầu tư, cung cấp điện lưới cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa có điện. Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ các thôn, bản sẽ có điện.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội |
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. “Xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan và công chức quản lý để xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương để triển khai hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, giám sát quản lý đội ngũ làm công tác này, không để xảy ra sai phạm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Tiếp tục triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa, đề án nâng cao chất lượng hàng Việt Nam. Tích cực chủ động, phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng với các cơ quan để chuẩn bị tốt công tác phòng vệ thương mại. Bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam nhưng vẫn phát huy hiệu quả của tiến trình hội nhập.
"Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội cả nhiệm kỳ mà Nghị quyết Quốc hội đã đề ra, tạo đà cho đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.