Phương Tây chỉ ra những sai lầm chính của Ukraine trong cuộc phản công Những bài học “đắt giá” từ cuộc phản công của Ukraine |
Điển hình rõ ràng nhất chính là những thông tin về các lãnh đạo, chỉ huy chiến trường cao cấp của cả Nga và Ukraine liên tục “thiệt mạng”, nhưng sau đó lại sống lại một cách thần kỳ. Đó là cuộc chiến tuy không có tiếng súng, nhưng có vai trò rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại, phi đối xứng.
“Sinh tử” trên truyền thông
Có một điều khá đặc biệt trong cuộc xung đột tại Ukraine là tần suất thông tin về các lãnh đạo, chỉ huy quân sự cả hai bên bị thiệt mạng trong các hoạt động quân sự tăng cao bất thường. Bất kỳ một nhân vật nào vắng mặt nhiều ngày lập tức sẽ xuất hiện thông tin về khả năng đã thiệt mạng hoặc đang bị thương nặng không có khả năng phục hồi.
Điều này có thể thấy rõ ràng quá các ví dụ, Đài NBC News hồi tháng 3/2022 dẫn nguồn tin từ Kiev loan tin Trung tướng Andrey Mordvichev, Tư lệnh Quân đoàn cận vệ 8 thuộc Quân khu phía Nam của Nga đã thiệt mạng trong đợt giao tranh ở sân bay Chernobaevka thuộc vùng Kherson.
Cuộc chiến tin giả về cuộc xung đột Nga-Ukraine không khó để tìm ra trên các nền tảng Internet. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, nhà lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov đã trực tiếp tới điểm nóng chiến sự Mariupol và gặp gỡ ông Mordvichev.
Hay thông tin về Thượng tướng Alexander Lapin, Tư lệnh Quân khu Trung tâm chỉ huy một hướng tấn công tại Ukraine cũng nhận tin đồn thiệt mạng trong vụ pháo kích. Tuy nhiên, ông này sau đó vài ngày lại xuất hiện trên truyền thông trong hình ảnh tham quan và chỉ đạo tại tiền tuyến.
Những thông tin giả như vậy cũng xuất hiện đối với các lãnh đạo, chỉ huy quan trọng ở phía Ukraine. Ví dụ cụ thể nhất chính là sự “biến mất” của Tổng tư lệnh Ukraine tướng Valery Zaluzhny. Ông này được đồn đoán là bị thương nặng trong một vụ tấn công tên lửa của Nga nhằm vào trung tâm chỉ huy Ukraine gần Bakhmut.
Nhiều thông tin cho rằng, tướng Ukraine đang ở trạng thái nguy kịch và được điều trị tại một bệnh viên quân y tại Kiev. Thông tin này càng trở nên có sức nặng khi ông Valery Zaluzhny không xuất hiện trên truyền thông nhiều tuần sau đó. Tuy nhiên, những đồn đoán này sau đó đã bị đánh tan vào ngày 19/6, khi ông Valery Zaluzhny đăng tải một đoạn video lên Facebook về chuyến thăm đến tiền tuyến cuộc phản công.
Một nhân vật quan trọng khác của Ukraine cũng từng dính tin đồn “thiệt mạng” chính là Giám đốc tình báo quân đội Ukraine - GUR, Thiếu tướng Kirill Budanov. Với nhiều tuyên bố gây sốc, ông Kirill Budanov là một nhân vật khá được truyền thông quan tâm. Bất kỳ động thái nào của nhân vật này đều được chú ý.
Sau vụ tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nhằm vào trụ sở của GUR tại Kiev, tướng Kirill Budanov đã bị đồn bị thương nặng và phải chuyển sang Đức điều trị. Những thông tin đồn đoán càng lan xa khi trong nhiều tuần sau đó, ông Kirill Budanov không xuất hiện trước truyền thông.
Một điểm đáng chú ý là phần lớn các thông tin về các nhân vật chủ chốt, quan trọng của cả Nga và Ukraine thiệt mạng đều lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, trong khi đó các nguồn tin chính thống của cả Ukraine và Nga đều im lặng. Điều này chứng minh đang tồn tại cuộc chiến trên mặt trận thông tin giữa một bên là Nga và bên còn lại chính là Ukraine và đồng minh phương Tây.
Cuộc chiến thông tin
Với sự tiến bộ về công nghệ, thế giới đang ngày một phẳng hóa với việc bất kỳ người nào, ở đâu trên hành tinh chỉ cần có thiết kế bị kết nối có thể tiếp cận mọi thông tin mong muốn trên nhiều nền tảng khác nhau. Từ nền tảng truyền thống như truyền hình, phát thanh, đến các nền tảng số như mạng xã hội, thậm chí gần nhất là sự xuất hiện của các trí tuệ nhân tạo hỗ trợ công tác tiếp cận thông tin.
Chiến tranh thông tin có vai trò rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại |
Chính vì thế, bất kỳ ai có thể thao túng được thông tin sẽ đồng nghĩa với việc giành quyền chủ động về việc đưa thông tin sai lệch về đối phương để giành ưu thế. Điều này đã được thể hiện qua các cuộc xung đột gần đây của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông, khi sử dụng thông tin như một công cụ hạ uy tín các chính quyền hợp pháp tại Iraq, Lybia, Syria... làm cái cớ để gây sức ép hoặc can thiệp quân sự.
Tại cuộc xung đột Ukraine, cuộc chiến thông tin đang diễn ra bằng cả phương pháp truyền thống và phi truyền thống. Cuộc chiến này cũng nóng bỏng không kém so với giao tranh trên chiến trường.
Nếu như với hệ thống truyền thông mạnh mẽ, Mỹ và phương Tây bằng nhiều cách khác nhau đang áp đảo Nga bằng các thông tin bất lợi hoặc hạ thấp những thành công của Moscow trên chiến trường. Ví dụ cụ thể nhất chính là cuộc chiến tại thành phố Bakhmut gần đây. Một vị trí chiến lược rất quan trọng mà cả Nga và Ukraine đã mất 9 tháng phân thắng bại với phần thắng về phía Nga. Tuy nhiên, các hãng thông tin phương Tây chỉ đưa thông tin này mờ nhạt và “mất tích” trước các thông tin về việc khu vực Belgorod của Nga bị tấn công.
Không khó để tìm ra các hãng tin, trang tin lớn của Nga trên nền tảng Internet bị gắn mác được Moscow hỗ trợ.
Trong khi đó, Nga cũng có phương thức “chiến đấu” của riêng mình. Đó là sử dụng các nền tảng mạng xã hội không nằm trong sự “quản lý” phương Tây như Tiktok, Telegram. Hàng loạt các hội nhóm, fanpage về tình hình chiến sự Ukraine bằng nhiều thứ tiếng khác nhau đã xuất hiện trên các nền tảng này. Thậm chí, nhiều nhà lãnh đạo Nga cũng sử dụng các kênh dẫn truyền này để đưa thông tin chính thống từ phía Nga. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các trang Telegram cá nhân của những nhà lãnh đạo Nga như Phó chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitri Medvedev hay phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova…. Hiệu ứng truyền thông đạt được là không hề nhỏ và nhận được sự quan tâm từ khắp thế giới.
Từ thực tiễn cuộc xung đột Ukraine có thể thấy rõ cuộc chiến thông tin trong chiến tranh hiện đại có vai trò quan trọng không kém gì với những trận chiến khốc liệt trên chiến trường. Mỗi thông tin có thể coi như một “viên đạn” ảnh hưởng tới tinh thần quân sĩ, sự ủng hộ của người dân, quốc tế và thậm chí là kết quả của cuộc chiến.