Nhiều khởi sắc cho xuất khẩu cá tra
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10/2020, tổng giá trị XK cá tra đạt 1,21 tỷ USD, giảm hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong top 10 thị trường XK lớn nhất của cá tra của Việt Nam, Anh vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng khả quan liên tiếp ngay từ đầu năm.
Xuất khấu cá tra sang nhiều thị trường có sự tăng trưởng |
Cụ thể, tính tới hết tháng 10/2020, XK cá tra sang thị trường này đã có 10 tháng liên tiếp giá trị XK tăng trưởng dương tại thị trường này. Đây là thị trường duy nhất trong top 10 thị trường lớn không bị giảm sút hay lý do khác là Covid-19. Tháng 10/2020, giá trị XK cá tra sang Anh đạt 5,36 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tính tới hết tháng 10, tổng giá trị XK đạt gần 57 triệu USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Năm nay, số lượng DN cá tra Việt Nam XK sang thị trường Anh cũng nhiều hơn so với các nước EU.
Tại thị trường Trung Quốc – Hồng Kông, trong 10 tháng đầu năm nay, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 428,3 triệu USD, chiếm 35,3% tổng XK cá tra và giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá trị XK giảm kể từ sau đại dịch Covid-19 nhưng từ tháng 10/2020, nhu cầu nhập khẩu của thị trường sôi động trở lại, các nhà nhập khẩu (NK) tích cực nhập hàng kể cả trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh.
Việc thị trường này gia tăng NK cá tra từ Việt Nam cũng là một nguyên nhân thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long và giá XK trung bình tăng lên. Trong tháng 10/2020, số lượng DN cá tra XK sang Trung Quốc tăng, giá trị XK sang thị trường này đạt tới 80 triệu USD, chiếm đến 47% tổng XK cá tra. Tuy nhiên, cho tới nay, trữ lượng tồn kho sản phẩm cá thịt trắng, cá rô phi của DN thủy sản Trung Quốc vẫn còn nhiều do hoạt động XK cũng bị ảnh hưởng. Do đó, Chính phủ nước này có thể sẽ đưa ra một số chính sách nhằm giảm NK thủy sản trong thời gian tới.
Mới đây, Cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, trong đó có mặt hàng cá tra Việt Nam. VASEP đã ban hành Công văn số 129/CV-VASEP gửi đến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Trong công văn nêu trên, VASEP kêu gọi các doanh nghiệp bình tĩnh, không nôn nóng chào bán giá thấp, hạ giá cá nguyên liệu. Bởi, việc hạ giá bán không thể giải quyết được tình trạng ách tắc hàng ở các cảng, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt thông tin kịp thời nhằm đưa hàng đến các cảng không bị kẹt và thương lượng để điều chỉnh lịch xuất hàng hợp lý, theo công văn của VASEP.
VASEP cho hay Trung Quốc bắt đầu gia tăng việc kiểm soát hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào nước này như một biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và mặt hàng cá tra của Việt Nam vào Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.
Theo VASEP, từ ngày 10-11 đến nay, cơ quan thẩm quyền tại các cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn ở quốc gia này, như Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo... Các lô hàng thủy sản đông lạnh từ Việt Nam sang, bao gồm cá tra phi lê sẽ phải lấy mẫu kiểm tra Covid-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc kiểm tra, lấy mẫu và trả kết quả để thông quan bị kéo dài khiến lượng hàng hóa bị ách tắc ngay tại cảng rất lớn. Trước tình hình đó, VASEP đã kêu gọi doanh nghiệp bình tĩnh và không hạ giá bán sản phẩm cá tra.
VASEP cũng cho biết đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao làm việc với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Báo cáo của VASEP cho thấy, tính đến nửa đầu tháng 10-2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc- Hồng Kông đạt 385,9 triệu đô la Mỹ, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá trị giảm, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này lại chiếm đến 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường.
Mỹ cũng là một trong những thị trường trọng điểm của cá tra Việt Nam. Trong tháng 10/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường này giảm nhẹ 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 23,3 triệu USD. Tính đến hết tháng 10/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 196,7 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay là năm cả nền chính trị và kinh tế của Mỹ nhiều bất ổn, do đó, các nguồn cung thủy sản cho thị trường này đều không trông đợi hay hi vọng nhiều về sự tăng trưởng đột biến trong những tháng cuối năm. Dự báo, trong năm 2020, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ giảm trên 15% so với năm 2019.
Tại ASEAN, tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như Mỹ hay một số nước châu Âu nhưng nhu cầu NK cá thịt trắng của ASEAN từ tháng 2 cho tới nay chậm. Trong đó nhiều nước, NK cá tra thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính tới hết tháng 10/2020, tổng giá trị XK cá tra sang ASEAN đạt 113,3 triệu USD, giảm gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK sang Thái Lan giảm 25,6%; Singapore giảm 4,9% và Malaysia giảm 28%.