Chủ động miễn giảm cho khách hàng
Trước tình cảnh hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp nợ chồng nợ, kinh tế lao đao, chia sẻ một phần khó khăn trong tình cảnh bất khả kháng, nhiều đơn vị đã được chủ nhà chủ động miễn giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh.
Anh Đặng Văn Công, có cửa hàng kinh doanh thời trang tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội cho biết: hàng tháng anh phải trả tiền thuê mặt bằng là 25 triệu đồng. Hoạt động buôn bán từ tết ra đã èo uột, đầu tháng 2 anh vừa đầu tư thêm 200 triệu đồng nhập hàng xuân hè, giờ đành đắp đống vì các mối buôn cũng tạm dừng hoạt động. Vốn không thể thu hồi, tiền ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng, như “chết đuối vớ được cọc”, sau khi nghe anh chia sẻ, chủ nhà đã không ngần ngại miễn hẳn cho anh 2 tháng tiền thuê nhà vào tháng 3 và tháng 4.
Ngoài các cửa hàng đã được miễn giảm tiền mặt bằng, nhiều nơi vẫn “khóc ròng” vì oằn lưng trả chi phí mặt bằng hàng tháng. |
“Việc cửa hàng đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 là lý do bất khả kháng, do đó, việc các chủ nhà đồng hành chia sẻ khó khăn với chúng tôi lúc này là rất cần thiết. Sau khi đề xuất khó khăn, tôi may mắn được chủ nhà hiểu và giảm hẳn luôn 2 tháng tiền nhà. Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, đây là những hành động đẹp rất cần được nhân rộng, chung tay vì cộng đồng”, anh Đặng Văn Công chia sẻ.
Trên mạng xã hội, tại các hội nhóm kinh doanh, rất nhiều bài đăng than phiền, hỏi han về tình hình miễn giảm tiền thuê mặt bằng ra sao. Trong khi nhiều người “kêu trời” vì chưa được miễn giảm, chị Hồng Hạnh, có cửa hàng kinh doanh cafe tại Tam Khương, Đống Đa, Hà Nội lại “khoe” vì may mắn gặp được chủ nhà tốt bụng.
Chia sẻ với PV Báo Công Thương, chị Hạnh cho biết: “Chủ nhà mình thật sự rất đáng yêu. Từ hôm 25/3, cửa hàng buộc phải đóng cửa, anh chủ nhà đã chủ động nhắn tin “cứ yên tâm mà làm ăn, nghỉ ngày nào anh không tính tiền nhà ngày đó”. Mình cảm thấy rất may mắn và cảm kích vì đã được chủ nhà đồng hành san sẻ những lúc khó khăn thế này. Giờ chỉ mong dịch nhanh qua để cửa hàng hoạt động trở lại”.
Để vớt vát khó khăn, anh Dương Đăng Phong cùng vài nhân viên hằng ngày vẫn tận tụy tới nhà hàng trả đơn đặt hàng online cho khách. |
Chị Hạnh chia sẻ thêm, hàng tháng chị phải trả 30 triệu đồng tiền thuê nhà. Mọi chi tiêu cả gia đình chỉ trông chờ vào quán cafe, hai tháng trước khi đóng cửa kinh doanh đã ế ẩm, không có doanh thu. Trong khi chị vẫn phải trả 70% lương cho một vài nhân viên cứng. Cũng nhờ chủ nhà giúp đỡ, chị vơi bớt được một phần gánh nặng kinh tế.
Tuy nhiên, một thực tế là số lượng các đơn vị kinh doanh được miễn giảm không nhiều. Và việc miễn giảm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào điều kiện của từng đơn vị cho thuê. Ngoài những cá nhân có mặt bằng cho thuê việc họ miễn tiền thuê nhà là dễ hiểu, tuy nhiên, đối với những đơn vị kinh doanh từ dịch vụ bất động sản thì bản thân họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nâng cao trách nhiệm cộng đồng
Công ty CP Bất động sản Upland có trụ sở tại đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, đơn vị chuyên kinh doanh từ thuê bất động sản sau đó cho thuê lại là trường hợp tương tự khi phải đối mặt với những khó khăn hiện tại như: nhân viên nghỉ làm vẫn phải trả 50% lương, nhiều đơn vị trả lại mặt bằng, mặt bằng mới thì không cho thuê được. Tuy nhiên, để chung tay chia sẻ khó khăn với các đơn vị, công ty đã đồng giảm giá 10% cho toàn hệ thống 10 mặt sàn cho thuê.
Một nhà hàng làm đơn đề xuất đơn vị cho thuê hỗ trợ miễn giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020 |
“Dù phải bớt đi một phần lợi nhuận trong khi công ty đang rất khó khăn, tuy nhiên, đây là việc chúng tôi cần làm nhằm chung tay chia sẻ khó khăn chung với các doanh nghiệp, cá nhân cũng như toàn xã hội. Ngoài ra công ty cũng áp dụng chiết khấu 300 nghìn đồng/lần cho các đơn vị thanh toán đúng kỳ hạn trong tháng 3 và tháng 4”, chị Nguyễn Thị Nga, đại diện Công ty CP Bất động sản Upland cho biết.
Bên cạnh những cửa hàng, doanh nghiệp đã được san sẻ gánh nặng từ mặt bằng, nhiều đơn vị mặc dù đã làm đơn “cầu cứu” tuy nhiên chủ nhà vẫn ngó lơ. Như trường hợp của anh Dương Đăng Phong (Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội) hiện đang kinh doanh quán nướng Hàn Quốc, đang rơi vào tình cảnh “chết đứng” khi hàng tháng tiền thuê mặt bằng là 100 triệu đồng, cộng tiền lương nhân viên, tiền lãi ngân hàng tổng phải chi lên đến cả 200 triệu đồng.
“Mình đã cố vớt vát bằng cách đẩy mạnh giảm giá, chia nhỏ combo bán qua kênh online, tuy nhiên doanh thu toàn cửa hàng vẫn thiệt hại tới 70%. Nhiều khoản chi phí vẫn phải duy trì, tiền ngân hàng mình vẫn phải trả đều hàng tháng. Dù đã làm đơn yêu cầu miễn giảm tiền mặt bằng vớt vát khó khăn phần nào mà cả tháng nay chủ nhà vẫn chưa đồng ý”, anh Phong trải lòng.
Theo ghi nhận của phóng viên, một trong những điểm bất lợi đối với các đơn vị kinh doanh là đa phần khi ký hợp đồng thuê nhà họ ít quan tâm đến điều khoản “bất khả kháng” (theo khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015), trong khi theo quy định đối với các hợp đồng mua bán đều có điều khoản bắt buộc này để ràng buộc.
Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) -dưới góc độ một người dân, một luật sư - cho biết: “Việc miễn, giảm chi phí thuê mặt bằng hay không phụ thuộc vào các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê mà hai bên đã ký kết. Tuy nhiên, với tinh thần cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong tình cảnh dịch bệnh hoành hành thì bên cho thuê và bên đi thuê mặt bằng nên ngồi lại với nhau, cùng trao đổi để thống nhất hướng giải quyết phù hợp cho cả hai bên. Việc này không chỉ thể hiện tình người, đạo đức kinh doanh, mà còn là trách nhiệm chia sẻ với xã hội để cùng vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”.