Nhận diện thách thức
Với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên diễn ra sáng nay (21/2) với sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra những thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Toàn cảnh VBF 2022 |
Nói về những thách thức cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp, bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – cho rằng: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vòng 1-2 năm tới sẽ không hề dễ dàng, lãi suất có thể tăng cao và lạm phát sẽ trở thành vấn đề của nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu vô cùng tham vọng, đó là đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là những mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất định do tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Cùng với đó, có ý kiến cũng cho rằng, trong năm 2021, Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%, đòi hỏi Việt Nam cần có những biện pháp ứng phó linh hoạt, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn |
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn cho rằng, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 2021, dù diễn biến dịch phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2,58%, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo… tuy vậy, thách thức của Việt Nam hiện nay là kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, lạm phát còn tiềm ẩn do giá dầu, giá vận tải, logictisc tăng cao, trong khi đó, tính hình dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021, nhưng cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, đặt Việt Nam đứng trước những khó khăn trong thu hút dòng vốn ngoại. Cùng với đó, khu vực tư nhân trong nước còn nhiều hạn chế, cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2022.
Làm gì để hóa giải?
Để hóa giải những thách thức trên, đồng thời tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, với tinh thần làm việc quyết liệt, không ngừng nghỉ, vào 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nghị quyết này được đánh giá là văn bản quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để cụ thể hóa Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung trong 2 năm 2022-2023.
Tuy vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu chưa hồi phục vững chắc, để phục hồi và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết về phòng chống dịch.
Nhấn mạnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng cho biết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Trong đó, về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Về hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...
Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số (xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số) và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế đơn thuần.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. |