Chủ nhật 17/11/2024 23:12

Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam cần có tính bao trùm hơn

Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam cần kiên trì chủ nghĩa đa phương, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cần có tính bao trùm hơn.

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do tại các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế đã đưa ra những nhận định về sự chững lại, thậm chí có phần thoái trào của tiến trình toàn cầu hóa và những khuyến nghị để Việt Nam phát triển bền vững trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế giúp môi trường thể chế của Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế

Theo Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã tiến một bước tiến rất dài trong hội nhập kinh tế quốc tế. Kể từ năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN và tham gia hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN, bình thường hóa quan hệ và ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ năm 2000; và gia nhập WTO năm 2007, đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 15 FTA đã có hiệu lực thực thi, có 3 FTA thế hệ cao là EVFTA, CPTPP, UKVFTA.

“Việt Nam trở thành một trường hợp đặc thù trên thế giới, rất hiếm quốc gia nào trên thế giới đạt được độ mở thị trường như Việt Nam. Hầu như tất cả các thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam đều có FTA, trừ thị trường Hoa Kỳ”, Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói và cho biết, thành quả của sự nỗ lực, bền bỉ trên thể hiện rất rõ ràng trong 30 năm qua.

Năm 1995, khi gia nhập ASEAN, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước là 13,6 tỷ USD; năm 2005 đạt 69 tỷ, gấp 5 lần. Năm 2024, dự kiến, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt 800 tỷ USD, gấp 60 lần so với năm 1995. Đây là tốc độ tăng trưởng bình quân rất lớn, trung bình khoảng 15%/năm.

Trong 800 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu thì các đối tác Việt Nam có FTA chiếm tới 72%.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ nét theo hướng tích cực. So với năm 2001, hàng công nghiệp chế biến mới đạt 54% thì hiện đã lên đến 85%; tỷ lệ nông sản, khoáng sản chiếm 46% thì hiện chỉ còn chưa đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Tuy nhiên, tác động lớn nhất, có ích nhất đối với Việt Nam đó là tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vào môi trường thể chế của Việt Nam. Đặc biệt là sau khi Việt Nam ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, gia nhập WTO, ký các FTA thế hệ mới – tất cả những hiệp định này đóng góp rất to lớn vào cải thiện môi trường thể chế của Việt Nam, giúp môi trường thể chế của Việt Nam tiệm cận chuẩn mực của kinh tế quốc tế” - nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá. Điều này đóng vai trò rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, giải phóng nguồn lực, kích thích đầu tư trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận sản xuất mới thường xuyên, giúp GDP Việt Nam liên tục duy trì tăng trưởng ở mức độ cao trong rất nhiều năm.

Các FTA nhận được “thiện cảm” rất lớn của người dân, chính quyền, các FTA gần đây được đưa ra Quốc hội xin phê chuẩn đều đạt được tỷ lệ đồng ý rất cao, gần như tuyệt đối (gần 100%).

“Việt Nam nổi tiếng ở WTO là một đối tác thực hiện rất nghiêm túc các cam kết quốc tế, bởi Việt Nam rất coi trọng, tôn trọng các cam kết quốc tế. Nếu một Bộ, ngành nào có thiên hướng vi phạm các cam kết quốc tế thì sẽ phải đối diện ngay lập tức với sự phản ứng từ trong nước trước khi đối diện với các thắc mắc từ bên ngoài”, nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Hội nhập kinh tế quốc tế phải bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Theo Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, gần đây, khái niệm về sự thoái trào của toàn cầu hóa đang dần nổi lên. Thể hiện qua việc sau những sáng kiến lớn như CPTPP, RCEP thì hiện nay không có sáng kiến nào mới về khu vực thương mại tự do. Trong khi đó, các biện pháp mang tính chất bảo hộ xuất hiện ngày càng nhiều. Cụ thể là, trong những năm gần đây, các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam bằng 65% toàn bộ thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Theo Nguyên Thứ trưởng, sự bất ổn của quá trình toàn cầu hóa trong thời gian qua có thể nhìn thấy rõ qua nhiệm kỳ Tổng thống Hoa Kỳ của ông Donald Trump, hay trước đó nữa, một số quốc gia thành viên trong WTO đã bỏ qua cam kết của mình ở WTO để áp dụng những chính sách rất tiêu cực (như bảo hộ, đánh thuế, cấm xuất nhập khẩu một số mặt hàng) như Ấn Độ, Indonesia. Tuy nhiên, ông Trump và một số lãnh đạo khác không phải là nguyên nhân gây ra sự thoái trào của toàn cầu hóa. Mà đúng hơn là hậu quả của cả làn sóng dân túy và chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, đe dọa toàn bộ tiến trình của toàn cầu hóa.

Trích dẫn lời của lãnh đạo WTO, Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng tự do hóa thương mại là tất yếu, tuy nhiên, cũng chính tự do hóa thương mại đã dẫn đến mất cân đối trong việc phân bổ thành quả của tiến trình toàn cầu hóa; đâu đó sự chênh lệch giàu nghèo ngày một mất cân đối hơn. Bên cạnh đó, còn có những lý do liên quan đến địa chính trị, địa kinh tế.

Từ nguyên nhân về sự mất cân đối nêu trên, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế nêu ra 7 khuyến nghị để tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bền vững hơn.

Để bảo vệ thành quả hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cần có tính bao trùm hơn

Thứ nhất, là quốc gia nhỏ, Việt Nam cần kiên trì chủ nghĩa đa phương. Nhưng trong tiến trình này phải lưu ý không gặp phải những sai lầm như bên trên. “Chúng tôi mong Quốc hội sẽ có những giải pháp để tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam có tính bao trùm hơn, diễn tả một cách nôm na là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ trương này Việt Nam đã có rồi, nhưng chúng ta phải đi xa hơn, cần cho những chủ trương đó trở thành những chính sách cụ thể”, Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị.

Thứ hai, hiện nay, mới độ mở kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt 800 tỷ USD, là gần gấp đôi GDP Việt Nam. Để chống lại rủi ro về làn sóng ngược của toàn cầu hóa thì cần phải tăng nhanh nội cầu để giảm bớt sự phụ thuộc từ bên ngoài (đi cùng với tăng xuất nhập khẩu).

Thứ ba, về đầu tư công, trong thời gian qua, Việt Nam đã đi đúng hướng, nhưng cần hơn thế nữa là phải có chính sách tài khóa “vị phát triển” hơn, cần có chính sách tài khóa “vị nội cầu” hơn.

Tiếp theo đó, cần có cách ứng xử phù hợp với những đối tác “thiếu chân thành”.

Thứ năm, xuất phát từ tính hai mặt của toàn cầu hóa, cần phải rất thận trọng với trào lưu mới là chuyển đổi xanh. “Chuyển đổi xanh mục đích là rất tốt. Nhưng không ngoại trừ khả năng nó sẽ bị một số đối tác tận dụng, lạm dụng để tạo thành rào cản đối với hàng hóa Việt Nam”, Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị.

Và cuối cùng, phải tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí về lựa chọn đối tác trong đàm phán hiệp định thương mại tự do mới.

“Tiến trình toàn cầu hóa đang trải qua nhiều biến động, thậm chí có lúc đi lùi. Nhưng cuối cùng, tôi nhìn nhận toàn cầu hóa vẫn tiến về phía trước vì đây là tiến trình khách quan khi sản xuất ngày càng phát triển. Việt Nam đang ở vị trí rất tốt hưởng lợi từ toàn cầu hóa, tuy nhiên, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế lưu ý một số hàm ý chính sách nêu trên để không chỉ hưởng lợi từ toàn cầu hóa mà còn bảo vệ bền vững thành quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế nhận định.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Hội nhập kinh tế

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo

Chống lãng phí: Thiếu vật liệu san lấp dự án giao thông sao không dùng tro xỉ?

Vụ GFDI vỡ nợ hơn 3.700 tỷ đồng: 'Bánh ngọt' liệu có dễ xơi?

Chi Dân, An Tây và loạt nghệ sĩ dính đến ma tuý: Nghĩ về trách nhiệm của người nổi tiếng

Có tiền nhàn rỗi, mua vàng cất giữ hay gửi tiết kiệm ngân hàng lúc này?

Chuyện giá vàng trong nước: Cầm vàng đừng để vàng 'rơi'

Phụ huynh học sinh cần làm gì để giảm thiểu tai nạn giao thông cho con em?

Hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam và câu chuyện ‘tiếp sức’ cho hàng hoá Việt

Ô tô điện ồ ạt ra mắt, gỡ nút thắt quy hoạch trạm sạc tại Việt Nam ra sao?

Xuất khẩu gạo Việt Nam 2024: Bứt phá ngoạn mục vẫn cần tỉnh táo

Bài học nhìn từ những dự án đội vốn, chậm tiến độ

Từ vụ 'cô đồng bát nước': Cần tỉnh táo trước chiêu trò mê tín dị đoan thời 4.0

Trốn thuế trên thương mại điện tử: Xử một người, cảnh tỉnh nhiều người

Kêu gọi từ thiện: Khi lòng tốt cần 'đi đôi' với chấp hành quy định pháp luật

Từ việc sửa Luật Quy hoạch đến câu chuyện phòng, chống lãng phí trong xây dựng thể chế

Sửa 4 luật giúp gỡ vướng cho các dự án phát triển điện lực

Bệnh viện vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ: Lỗi có phải chỉ ở công tác đấu thầu?

Quản lý thuế với sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng vào Việt Nam: Cách nào?

Loạt dự án bỏ hoang ở Đà Nẵng: Đừng ôm 'đất vàng' rồi lãng phí

Temu và câu chuyện phản ứng nhanh nhạy của thương mại điện tử Việt Nam