Thứ năm 07/11/2024 18:25

Người phụ nữ Dao năng động, tự tin

Vừa khéo léo chọn trang phục cho khách thử, chị Lý Mùi Cói vừa hồ hởi chào mời: “Đây là sản phẩm của chị em trong Nhóm thêu dệt thổ cẩm Hồ Thầu tự làm, các chị thích thì có thể đặt hàng, chúng em sẽ thêu cho các chị đúng hoa văn truyền thống của người Dao…”.

Đưa thổ cẩm Dao đến gần hơn với du khách

Không phải đến khi Lý Mùi Cói cất lời mời, tôi mới để ý đến chị. Mà từ trước đó, lần đầu tiên nhìn thấy Cói ở UBND xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), tôi đã rất ấn tượng bởi tác phong nhanh nhẹn và nụ cười tươi rói của cô gái Dao này. Hỏi ra mới hay, Lý Mùi Cói hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồ Thầu, chị cũng là một trong những phụ nữ rất tích cực với các phong trào của địa phương.

Lý Mùi Cói (trái) giúp du khách mặc thử trang phục truyền thống của đồng bào Dao

Thấy tôi tấm tắc khen các họa tiết, hoa văn được thêu tinh tế trên bộ quần áo truyền thống mà Lý Mùi Cói đang mặc, Cói vui lắm: “Bà em, mẹ em, nay đến em đều tự làm ra những bộ quần áo như thế này. Trước em chỉ làm để mặc, nhưng nay có nhiều người thích, em và các chị em trong xã đã thành lập nhóm để cùng làm rồi bán cho khách”. Góp thêm vào câu chuyện của Cói, anh Trương Công Định – Chủ tịch xã Hồ Thầu cho biết: Lý Mùi Cói là người phụ nữ khéo tay và chịu khó nhất nhóm, một mình Cói có thể làm bằng 2 - 3 người khác.

Vui chuyện, Cói kể cho tôi nghe về Nhóm thêu dệt thổ cẩm Hồ Thầu có 10 thành viên mà Cói đang làm phó nhóm. Với sự quan tâm của chính quyền xã, nhóm đã có nhà xưởng và phòng trưng bày nho nhỏ tại thôn Tân Phong. Tại đây, các chị em phụ nữ trong xã cùng nhau thêu, may các bộ trang phục nam – nữ truyền thống của dân tộc Dao. Ngoài ra, chị em còn sáng tạo thêm các sản phẩm như: Túi xách, ví, đồ lưu niệm từ thổ cẩm để bán cho du khách đến du lịch ở đỉnh Chiêu Lầu Thi. Trung bình, thu nhập của các chị em cũng được 1 - 3 triệu đồng/tháng.

Nhắc đến Chiêu Lầu Thi, địa điểm du lịch đang khá hút khách của xã Hồ Thầu, Lý Mùi Cói cho hay: Thi thoảng, Cói và các đoàn viên trong xã vẫn nhận làm xe ôm chở khách lên đỉnh Chiêu Lầu Thi. Lúc khách dạo chơi, Cói tranh thủ thu gom rác vào nơi quy định để đốt. “Ý thức của bà con, của một số du khách về việc giữ vệ sinh môi trường còn chưa tốt. Mình vừa nhắc nhở vừa đích thân dọn rác, mọi người dần bị thuyết phục, rồi làm theo” – Cói chia sẻ.

Giúp chị em cùng “tiến bộ”

10 năm trước, khi bước chân về thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu làm dâu chưa được bao lâu, cô gái Dao Lý Mùi Cói đã được bà con trong thôn quý mến, bầu vào Chi hội phụ nữ thôn. Tháng 5/2012, Cói được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồ Thầu. Với Cói, làm ở Hội Phụ nữ lúc nào cũng vui. Vui vì được trò chuyện, chia sẻ cùng chị em, được giúp đỡ nhau tiến bộ và cùng thoát nghèo.

Những người phụ nữ dân tộc tự tin, duyên dáng của xã Hồ Thầu

Hồ Thầu hiện có 439 hộ nhưng có tới 224 hộ nghèo và cận nghèo nên đời sống người dân còn rất vất vả. Người phụ nữ Dao, Nùng, Mông… trong gia đình còn vất vả hơn bởi gánh trên vai nhiều công việc, trách nhiệm.

Là phụ nữ, Cói thấu hiểu hơn ai hết những hạn chế, khó khăn của chị em. Chính vì vậy, khi Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) được triển khai ở Hồ Thầu, Lý Mùi Cói cùng chị em trong Hội Phụ nữ xã đã động viên để 76 phụ nữ trong xã vay vốn của chương trình và gia nhập nhóm Đồng sở thích. Với số tiền được vay là 10 triệu đồng/hộ, chị em đã tập trung vào phát triển chăn nuôi bò, dê, lợn, ong, trồng chè, thảo quả và thêu dệt thổ cẩm. Nhờ nguồn vốn vay này, đã có nhiều hộ do phụ nữ làm chủ được cải thiện sinh kế, thu nhập ngang với hộ do nam làm chủ. Đáng nói hơn là khi chủ động về kinh tế, vị thế và tiếng nói của chị em cũng được nâng lên rất nhiều. Hiện tượng bạo lực gia đình hầu như rất ít xảy ra ở Hồ Thầu. Từ năm 2010 đến năm 2018, cả xã Hồ Thầu mới có duy nhất 1 gia đình sinh con thứ 3.

Với riêng Cói, không chỉ “đảm việc nước”, chị còn rất “đảm việc nhà” khi cùng chồng nuôi dạy 2 con học hành và chăm sóc 10 héc-ta thảo quả. Bàn chân dẻo dai của Cói không chỉ vào rừng, lên nương thoăn thoắt, mà rảnh lúc nào, Cói lại gặp gỡ chị em tuyên truyền về việc sinh đẻ kế hoạch, làm sao để hết nghèo, để chăm con khỏe, dạy con ngoan…

Trò chuyện với Cói, ngắm nhìn nụ cười rạng rỡ của chị, lại thầm mong, sẽ có thêm thật nhiều những cô gái dân tộc thiểu số tự tin, năng động và nhiệt huyết với cộng đồng như Lý Mùi Cói.

Tú Phương

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Lai Châu: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống

Những nghệ nhân nhí 'giữ hồn' cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Xây dựng mô hình sản xuất giỏi tại huyện miền núi A Lưới

Kon Tum: Nét đẹp văn hóa đặc trưng trong trang phục truyền thống của người Gié - Triêng