Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Huệ - Vẹn nguyên niềm đam mê điêu khắc gỗ
Ngay từ nhỏ, bà Huệ đã sớm bộc lộ niềm đam mê và năng khiếu nghệ thuật điêu khắc. Đến năm 1985, bà đã theo học ở Trường Trung cấp Mỹ thuật - Mỹ nghệ tỉnh Long An. Đối với nghề chạm khắc, nam giới đã cực, phụ nữ còn vất vả gấp bội phần, bởi nghề này không chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo tay, mà còn cần sức mạnh cơ bắp của đôi tay, vì gỗ dùng để chế tác tượng hay các vật dụng khác phải là gỗ tốt và rất chắc.
Hơn 30 năm theo nghề nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết Huệ vẫn vẹn nguyên niềm đam mê điêu khắc gỗ |
Để cho ra đời những sản phẩm điêu khắc, người thợ đã dùng đôi tay gọt, đục, đẽo từng khúc gỗ để tạo hình cho sản phẩm. Chưa kể, nghề này phải làm việc trong môi trường nhiều bụi, dăm gỗ... Vì vậy, nghề này thường không dành cho phụ nữ vốn chân yếu tay mềm. Thế nhưng với bà Huệ lại chỉ cần nhìn thấy sản phẩm dần hình thành từ một khối gỗ to là bao mệt nhọc như tan biến trong bà.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Huệ chia sẻ: Khi bắt tay làm bất cứ bức tượng nào, người thợ phải đặt hết cái tâm của mình vào đó. Với các bức tượng tâm linh thì càng phải giữ được những nét đẹp vốn đã được truyền từ bao đời. Để làm được những bức tượng Phật bà Quan Thế Âm, Phật Di Lặc, hay 3 ông Phúc, Lộc, Thọ… thì người làm cần có cái tâm sáng, hướng Phật thì tác phẩm mới có hồn.
Năm 2000, bà mở cửa tiệm riêng, chuyên chế tạo và phục chế các vật dụng bằng gỗ. Bên cạnh các sản phẩm thông thường (bàn, ghế, tủ, tranh gỗ...), những tác phẩm điêu khắc của bà được đánh giá cao như các bức tượng Phật Di Lặc, Phật Thích Ca, Phật bà Quan Thế Âm…
Với tay nghề điêu luyện của mình bà đã sao chép những tác phẩm điêu khắc và phục hồi những mảnh bể, mất của những tác phẩm điêu khắc xưa (cũ) trở lại nguyên vẹn. Điều đặc biệt ở chỗ bà cũng có thể phục chế những đồ vật cổ đã bị hư hỏng mà các thợ điêu khắc khác đã “bó tay”.
Chất liệu bà chọn chủ yếu là gỗ trắc, gỗ mít, cẩm lai. Mỗi loại gỗ đều có ưu, nhược điểm riêng. Gỗ mít giá thành rẻ, dễ làm nhưng không đẹp và độ bền kém. Gỗ trắc rất khó chạm khắc, giá thành cao, nhưng càng để lâu gỗ càng lên màu, đẹp và sang trọng...
Hơn 30 năm theo nghề, bà Huệ đã tạo ra rất nhiều sản phẩm đồ gỗ. Bà đã chế tác hơn 10 tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao, tiêu biểu như: Sao chép lại tủ lục giác; Sao chép khung hình trúc hóa lân; Sao chép và phục hồi bao lan tại chùa Vĩnh Tràng; Sáng tác khung hình hoa hồng trên bàn trang điểm; Sáng tác mái chùa thu nhỏ ở Bảo tàng tỉnh Tiền Giang; Sáng tác các bục gỗ trưng bày hiện vật ở Bảo tàng tỉnh Tiền Giang; Chạm trổ điêu khắc đình Long Hưng; Chạm trổ cột rồng bằng xi măng Lăng Tứ Kiệt Cai Lậy Tiền Giang; Chạm trổ các tượng Phật ở chùa Khánh An tỉnh Tiền Giang; Chạm trổ gốc cây tượng Di lặc; Chạm tượng Quan âm cây trắc bá diệp...
Các tác phẩm của Bà Huệ đã được tham gia hợp tác, trưng bày với Bảo tàng Tiền Giang “Bục, gỗ trạm trưng bày” từ năm 1999 đến nay. Trong quá trình hoạt động, bà đã được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức và xây dựng phong trào Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong nghề điêu khắc gỗ và bước đầu đạt kết quả tốt.
Trải qua hơn 30 năm nhưng đến bây giờ, tình yêu nghệ thuật điêu khắc của bà Huệ vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu. Bà cho biết: “Chỉ cần được sống và làm việc với niềm đam mê là tôi hạnh phúc vô cùng”. Với những đóng góp của bà cho ngành mỹ thuật điêu khắc gỗ tỉnh nhà, năm 2020bà Huệ được Bộ Công Thương phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.