Thứ hai 23/12/2024 03:33

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Tiến Hoàng: Đôi bàn tay “ma thuật” trong chế tác kim hoàn

Trong ngành kim hoàn ở TP. Hồ Chí Minh, danh hiệu là nghệ nhân được trao tặng không nhiều và người trẻ tuổi lại càng hiếm. Trong số ít nghệ nhân kim hoàn trẻ tuổi có Nguyễn Tiến Hoàng, anh là người đang sở hữu đôi bàn tay như có “ma thuật” trong chế tác nữ trang ở đẳng cấp cao.

Ngành kim hoàn ở TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 100 người được phong tặng nghệ nhân, trong đó đa số là những người có thâm niên trong nghề, những người trẻ tuổi như Nguyễn Tiến Hoàng rất ít.

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hoàng sinh năm 1975, hiện ngụ tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Năm 1993, sau khi học hết phổ thông trung học, Nguyễn Tiến Hoàng đầu quân vào Công ty Vàng bạc đá quý quận 3, TP. Hồ Chí Minh để tham gia học nghề chế tác kim hoàn. Năm 1994, anh chuyển qua Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), công việc chuyên môn chính là làm thợ thủ công “đồ hạt” trên các sản phẩm trang sức cho doanh nghiệp.

Nghệ nhân kim hoàn Nguyễn Tiến Hoàng

Từ một người chưa từng biết gì về nghề, song nhờ chăm chỉ học tập, không ngừng tích lũy kinh nghiệm từ các bậc tiền bối và công nghệ tiên tiến của thế giới, Nguyễn Tiến Hoàng đã trở thành một chuyên gia bậc cao về ngành chế tác kim hoàn cho PNJ và của tại khu vực miền Nam.

Chưa hết, trong giới làm nghề kim hoàn hiện nay biết đến nghệ nhân Nguyễn Tiến Hoàng còn là người có kỹ năng làm trang sức cao cấp, kỹ thuật gắn đá tất cả các loại, đính hạt kim cương, đá quý… trên các loại trang sức. Đặc biệt, anh là chuyên gia có kỹ thuật gắn đá ở những sản phẩm có kết cấu phức tạp, nhiều chi tiết lắp ráp trên sản phẩm trang sức với hàng trăm công đoạn cực khó.

Anh Hoàng nhớ lại, tại Sài Gòn khoảng hơn 20 năm trước, thợ kim hoàn có tay nghề giỏi không nhiều và rất có giá. Tại Công ty PNJ thời điểm đó, những món hàng nữ trang đòi hỏi tính kỹ thuật và mỹ thuật cao thường là do anh chế tác. Chưa tính tiền thưởng của khách hàng, riêng tiền lương tháng anh nhận từ 2 - 3 cây vàng là bình thường, nhiều hơn cả lương của giám đốc. Theo Hoàng, tiền công anh nhận "khủng" mỗi tháng chính là nhờ vào ý tưởng sáng tạo rất khác biệt và đôi tay tài hoa chạm chắc công phu trên từng sản phẩm kim hoàn.

Ngoài thuần thục các kỹ năng, kinh nghiệm của nghề kim hoàn truyền thống, anh Hoàng còn áp dụng thành thạo những kỹ thuật của thiết bị công nghệ mới trong chế tác kim hoàn. Từ những kinh nghiệm này, các sản phẩm kim hoàn do anh chế tác đều là những tác phẩm mang tính mỹ thuật độc đáo và giá trị thương mại cao.

Nhờ vậy, nghệ nhân trẻ tuổi Nguyễn Tiến Hoàng đã có nhiều tác phẩm kim hoàn đoạt giải thưởng trong các cuộc thi gần đây. Chẳng hạn như tác phẩm “Bộ trang sức đá Sapphire - Phượng Hoàng” tại Hội thi Nữ trang TP.Hồ Chí Minh; các tác phẩm tiêu biểu như Dây vòng cổ; tám bộ dây nữ trang vàng trắng được nhiều tổ chức đánh giá cao về mặt nghệ thuật.

Năm 2004, Nguyễn Tiến Hoàng đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi Nữ trang TP. Hồ Chí Minh với tác phẩm “Dây cổ Hồn Việt”, do Công ty PNJ và Hội đồng vàng thế giới tổ chức. Năm 2011, Nguyễn Tiến Hoàng được phong tặng Nghệ nhân kim hoàn, do Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh và Hội đồng vàng thế giới công nhận khi anh mới 36 tuổi.

Các sản phẩm nữ trang do nghệ nhân Nguyễn Tiến Hoàng thiết kế mẫu và chế tác

Trong năm 2012, Nguyễn Tiến Hoàng nhận Bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh về những đóng góp cho ngành nữ trang của Thành phố và đoạt giải Nhì tại Hội thi Nữ trang TP.Hồ Chí Minh với tác phẩm “Bộ trang sức đá Sapphire - Phượng Hoàng”. Đặc biệt, năm 2018, tác phẩm "Cánh chim phượng hoàng", thể loại Vòng Cổ được chọn để trưng bày tại Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Hội quán Lệ Châu - Đền thờ Tổ nghề kim hoàn TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài đảm trách một Trưởng bộ phận Kỹ thuật chế tác kim hoàn của Công ty PNJ, Nguyễn Tiến Hoàng hiện còn tham gia đào tạo học viên, kỹ thuật viên chế tác kim hoàn. Đến nay, anh đã trực tiếp đào tạo hơn 100 học viên thành thợ bậc cao, hàng nghìn người thợ giỏi và đào tạo thợ nữ trang cung cấp cho đội ngũ công ty.

Để trở thành một người thợ kim hoàn giỏi, Nguyễn Tiến Hoàng đúc kết, người làm nghề cần phải có đức tính siêng năng, không ngừng học hỏi những kinh nghiệm của thầy, của bạn. “Với ý tưởng sáng tạo tốt, đôi bàn tay khéo là chưa đủ mà còn phải kiếm cho mình chữ tín. Một khi đôi tay của anh có nghề và có uy tín thì nghề sẽ mang lại cho anh nhiều giá trị khó mà đóng đếm hết được”, Hoàng chia sẻ.

Thế Vĩnh

Tin cùng chuyên mục