Nghệ nhân Trần Thị Việt: Người giữ nghề và phát huy giá trị cây cói

Không chỉ nâng cao giá trị cây cói, những sản phẩm làm từ cói được sản xuất tại Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang (Xóm 5, Nga Thanh, Nga Sơn, Thanh Hóa) do nghệ nhân Trần Thị Việt làm chủ đã có mặt ở trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ…    
nghe nhan tran thi viet nguoi giu nghe va phat huy gia tri cay coi

Nghệ nhân Trần Thị Việt - người phụ nữ gần 70 tuổi đời (sinh năm 1951) - đã có 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu cói tại vùng đất Nga Sơn. Từ nhỏ, bà đã được học làm nghề chiếu cói. Yêu nghề, trăn trở, thăng trầm cùng nghề, với đôi bàn tay tài hoa…, đến nay, bà đã xây dựng nên cơ ngơi là cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hàng trăm lao động động địa phương.

Nhớ lại khi mới lập nghiệp, năm 1986, bà Trần Thị Việt cùng chồng dệt chiếu cói phát triển kinh tế hộ gia đình, thuê người làm và có thu nhập ổn định. Có thời điểm, chiếu cói được giá và đắt hàng, gia đình bà thu được lợi nhuận khá cao. Đến năm 2001, với số vốn có được, bà đã đầu tư 5 tỷ đồng vào Cụm làng nghề truyền thống liên xã Nga Mỹ, Nga Hưng, Nga Thanh để mở công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu chiếu cói và đồ mỹ nghệ bằng cói. Năm 2003, công ty đi vào hoạt động với tên gọi Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và khoảng 400 lao động thời vụ, lao động tại nhà.

nghe nhan tran thi viet nguoi giu nghe va phat huy gia tri cay coi

Có những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế (2008 - 2009), Việt Trang đứng trước nguy cơ phá sản… Với quyết tâm phải giữ doanh nghiệp, bà đã tìm mọi cách để duy trì sản xuất, vay lãi bên ngoài để trả lãi suất ngân hàng và chuyển hướng tìm đầu ra ở thị trường trong nước… Song song với đó, bà Việt đặc biệt chú ý tìm thị trường nước ngoài để mang lại lợi nhuận cao. Để có được thị trường mới, bà Việt đã dày công tìm hiểu xem họ cần những mặt hàng gì, yêu cầu thế nào. Với những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ… thường yêu cầu mặt hàng mới với công nghệ hiện đại, bà Việt lại mày mò học cách làm ra các sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường và dạy lại cho những người làm công trong công ty để sản xuất hàng loạt…

nghe nhan tran thi viet nguoi giu nghe va phat huy gia tri cay coi

Giờ đây, công ty của bà có nhiều đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài; mỗi năm, công ty của bà có lợi nhuận hàng tỷ đồng. Công ty hiện đã đa dạng hóa sản phẩm, từ chiếu cói cao cấp, thảm sợi tự nhiên, giỏ các loại, sản phẩm trang trí… Công việc bận rộn, thế nhưng nghệ nhân Trần Thị Việt không ngừng học hỏi, sáng tạo ra các mẫu mới của sản phẩm cói mỹ nghệ. Chính nhờ phát triển sản phẩm cói mỹ nghệ, nghệ nhân Trần Thị Việt đã giúp vùng nguyên liệu cói của các xã quanh cụm làng nghề có nơi tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Cùng với doanh nghiệp Việt Trang, nghệ nhân Trần Thị Việt cũng đã nhận nhiều danh hiệu cao quý:
- Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chứng nhận “Thương hiệu Chiếu cói Nga Sơn” đạt danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017.
- Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam năm 2015 chứng nhận: Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng công nghiệp Việt Nam”.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa năm 2015 tặng Bằng khen cho sản phẩm chiếu cói cao cấp Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang đạt sản phẩm xuất sắc tiêu biểu tham gia “Ngày phụ nữ sáng tạo” năm 2015.
- Trung tâm Văn hóa doanh nhân (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) năm 2015 chứng nhận nghệ nhân Trần Thị Việt là “Doanh nhân văn hóa Tâm - Tài - Trí – Dũng”.
- Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2005 (QĐ số 991/QĐ-TTg ngày 31/8/2005).
- Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003 (QĐ số 604/QĐ-CTN ngày 20/9/2003).
- Huân chương Vì sự nghiệp giải phòng phụ nữ; Bằng khen năm 1998 (QĐ số 177/QĐ-TTg).
- Danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp TW Hội Nông dân Việt Nam.
Quang Nguyễn
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★