Thứ năm 26/12/2024 11:31

Nghệ nhân Phạm Xuân Pha: Cháy mãi niềm đam mê sáng tạo

Không bằng lòng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo đã tạo ra mà luôn tìm tòi nghiên cứu, phát triển mẫu mã mới, nguyên liệu mới và kỹ thuật chế tác mới, nghệ nhân Phạm Xuân Pha (thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) không chỉ nổi tiếng là người có tâm với nghề mà còn là nhà kinh doanh tài ba.

Khởi nghiệp với ý tưởng lạ

Năm 2001, nghệ nhân Phạm Xuân Pha bắt đầu khởi nghiệp với ý tưởng sản xuất chậu hoa cảnh xuất khẩu. Ở thời điểm đó, đây là sản phẩm khá lạ, nhất là khi nghề thủ công mây tre đan và dệt chiếu rất phát triển ở địa phương. Nói về ý tưởng này, nghệ nhân Phạm Xuân Pha chia sẻ: Tôi thấy ở nước mình cái gì cũng có thể xuất khẩu được. Song chọn xuất khẩu mặt hàng chậu hoa cảnh vì thời điểm đó có ít doanh nghiệp tham gia.

Nghệ nhân Phạm Xuân Pha bắt đầu khởi nghiệp với ý tưởng sản xuất chậu hoa cảnh xuất khẩu

Cũng là chậu hoa cảnh nhưng nghệ nhân Phạm Xuân Pha đã tạo “muôn hình vạn trạng” cho sản phẩm này. Đầu tiên chậu hoa cảnh được sản xuất bằng tôn, để tạo sự khác biệt cho sản phẩm, ông đã mày mò nghiên cứu ra kỹ thuật mạ màu độc đáo, “màu nâu đen phấn trắng” chưa từng xuất hiện trên thị trường. Nhờ kiểu dáng, mẫu mã đẹp, những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Nga nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Đến năm 2008, thị trường bắt đầu bão hoà, nhu cầu hàng tôn có xu hướng giảm, hợp đồng ngày một ít đi. Sau một thời gian nghiên cứu thị trường, thay vì tôn, Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu Phương Thanh do ông làm Giám đốc chuyển sang sử dụng cao su làm nguyên liệu và sản xuất sôi động trở lại. “Từ bài học kinh nghiệm đó, tôi không còn để bị động trong phát triển mẫu mã, nguyên liệu nữa mà thường xuyên cập nhật tình hình thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng. Đến nay sản phẩm chậu hoa của Phương Thanh đã được sản xuất trên hàng loạt các vật liệu mới như xi măng nhẹ, composit, xốp…”, nghệ nhân Phạm Xuân Pha tự hào chia sẻ.

Sản phẩm chậu hoa lấy cao su làm nguyên liệu đã giúp thị trường tiêu thụ của nghệ nhân Phạm Xuân Pha sôi động trở lại

Năm 2015 một lần nữa ông quyết định thay đổi nguyên liệu sản xuất và sử dụng gỗ làm nguyên liệu chủ đạo. Do gỗ là nguyên liệu khá “đỏng đảnh”, nghệ nhân Phạm Xuân Pha phải nghiên cứu rất kỹ về đặc tính của gỗ, môi trường, thậm chí đầu tư cả 1 phòng bảo ôn để duy trì nhiệt độ phù hợp, đảm bảo chất lượng cho thành phẩm trong quá trình lưu kho. Và bước chuyển đổi này rất kịp thời, hiện khách hàng biết đến công ty nhiều hơn, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 50 - 60 container 40 feet sang các thị trường Mỹ, Australia, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan…

Luôn tìm hướng đi mới

Theo nghệ nhân Phạm Xuân Pha, hàng thủ công mỹ nghệ cũng như sản phẩm mốt thời trang, thay đổi liên tục và rất nhanh. Do vậy, cần luôn luôn đổi mới để không bị tụt hậu so với thị trường. Ông cũng đang có rất nhiều ý tưởng mới, có thể làm ra sản phẩm tốt, như bàn ghế bằng rơm rạ ép, chậu bằng giấy. Ông đã thử nghiệm làm bàn ghế bằng rơm rạ ép ở nhiệt độ cao, sản phẩm rất đẹp, có độ bền cao, phù hợp với nhiều loại hình khí hậu, tuy nhiên do chưa tìm được loại keo dán thích hợp nên chưa tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của nghệ nhân Phạm Xuân Pha

Đáng lưu ý, nghệ nhân Phạm Xuân Pha không chỉ là người có đam mê sáng tạo với sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông còn là nhà kinh doanh tài ba khi nắm bắt rất tốt cơ hội thị trường. Không những chăm chỉ tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành nhằm tìm hiểu xu hướng thị trường mà ông còn tự quảng cáo, bán hàng trên các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba… do vậy lượng khách hàng tìm đến công ty không hề nhỏ.

Tuy nhiên, ông khá băn khoăn khi tình trạng làm giả, làm nhái các sản phẩm của công ty đang khá nghiêm trọng cho dù đã đăng ký bản quyền sản phẩm. “Sản phẩm mình thai nghén vài năm trời, đưa lên quảng cáo trên internet chỉ 1 thời gian ngắn doanh nghiệp khác đã sản xuất và bán với giá thành rất rẻ”, nghệ nhân Phạm Xuân Pha bức xúc. Ông cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp kiểm soát tốt nạn làm hàng giả, hàng nhái, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Nghệ nhân Phạm Xuân Pha đầu tư phòng bảo ôn để duy trì nhiệt độ phù hợp với sản phẩm
Với niềm đam mê sáng tạo và những đóng góp tích cực, nghệ nhân Phạm Xuân Pha đã được: Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình năm 2004; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương năm 2009, 2012; Bằng khen của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam năm 2007, 2009...

Việt Nga - Vũ Cương

Tin cùng chuyên mục