Thứ năm 02/01/2025 22:13

Nghệ nhân Lê Đức Ngọc: Người thổi hồn tranh ghép gỗ

Ở Việt Nam, tranh ghép gỗ là một tài sản vô giá đối với các nhà sưu tập và nghiên cứu. Xuất hiện từ xa xưa và trải qua nhiều thăng trầm thời gian, tranh ghép gỗ đã trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật có giá trị mãi trường tồn. Trong suốt 40 năm gắn bó với nghề tranh ghép gỗ nghệ nhân ưu tú Lê Đức Ngọc ở Tiền Giang đã tạo ra nhiều tác phẩm tiêu biểu thể hiện được tình yêu đối với quê hương đất nước.

Tranh ghép gỗ được sản xuất ở nhiều địa phương, tập trung từng làng hoặc do từng hộ gia đình. Những làng quê nổi tiếng với nghề làm tranh ghép gỗ có thể kể đến: Đông Hồ (Hà Bắc), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Nam Hoành (Nghệ Tĩnh), Sình (Huế).

Sức hút của tranh ghép gỗ không chỉ ở vẻ đẹp hiển nhiên của nó mà còn bởi sự cảmphục của người thưởng ngoạn dành cho những nghệ nhân. Tranh mỗi vùng mang đậm sắc thái và kỹ thuật riêng nhưng đều giống nhau ở sức hồn nhiên, trực cảm. Nội dung, hình thức đều độc đáo: ý tứ và bố cục, nét vẽ và bảng màu, lại thêm cảm quan hài hước sắc sảo trong xử lý đề tài, hình thành từ cội nguồn văn hoá, phong tục tập quán riêng.

Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Ngọc

Tranh được làm từ nguyên liệu chính là gỗ, hình ảnh bức tranh được thể hiện bằng cách dùng nhiều loại gỗ có vân, màu sắc khác nhau khảm trên nền một tấm gỗ có diện tích trải rộng. Tranh ghép gỗ nghệ thuật có 2 loại: Tranh khảm nổi (các đường nét nổi lên khỏi nền bức tranh); Tranh khảm chìm (các đường nét phẳng bằng với nền bức tranh).

Với cách phối màu hài hòa tự nhiên trong bố cục nghệ nhân Lê Đức Ngọc đã biến những mẩu gỗ vô hồn thành những tác phẩm có sức lay động lòng người. Chỉ bằng những mảnh gỗ với màu sắc tự nhiên và kết cấu khác nhau ông đã khéo léo tạo ra các họa tiết vô cùng tinh tế và ấn tượng. Đặc biệt, ông có khả năng liên tưởng không gian học trừu tượng cùng sự khéo léo, tỉ mỉ để sắp xếp, trang trí... tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có hồn, chứa sắc thái biểu cảm và nhất là chọn màu sắc tự nhiên của gỗ phù hợp với chủ đề thể hiện bức tranh.

Trong suốt 40 năm gắn bó với nghề tranh ghép gỗ nghệ nhân đã chế tác được hơn 10 tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao, tiêu biểu như: Tranh ghép gỗ nổi về chiến thắng trận Rạch Gầm Xoài Mút; Phù điêu 02 câu thơ của Nhà thờ Học Lạc trên nền trụ giả vỏ cây cắt xéo; Tranh ghép gỗ nổi tên Đám cưới trên đường quê; Tranh phong cảnh về đồng bằng sông Cửu Long; Tranh xe thỗ mộ (Cưa lọng); Tranh đồng quê Việt Nam (Cưa lọng); Xe ngựa (Tranh lá); Đức Phật (Tranh lá); Cô gái Việt Nam (Tranh lá); Lòng mẹ (Cưa lọng); Bồ Tát Đại thế chí (Ghép gỗ); Sản phẩm tranh lá tự nhiên 100% "Cầu đi bộ bến Ninh Kiều- Cần Thơ"…

Tác phẩm ghép gỗ "Trận chiến Rạch gầm Xoài Mút" - (1994)

Các tác phẩm tranh gỗ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang gồm: “Trận chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút” (1994); “Đám cưới trên đường quê” (1995); Tác phẩm ghép gỗ phẳng "Quê hương" -1995; “Hai câu thơ của Nhà thơ Học Lạc”; “Phong cảnh sông nước”.

Tác phẩm ghép gỗ "Đám cưới trên đường quê"- (1995)

Ông cũng đạt giải khuyến khích với tác phẩm “Tranh lá” tại cuộc thi “Sáng tác mẫu sản phẩm lưu niệm của Du lịch Tiền Giang” năm 2008 (có bản photo Quyết định số 06/QĐ-SVHTTDL ngày 13/01/2009 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Giải khuyến khích tại Hội thi “Sáng tạo mẫu sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng và sáng tác ảnh nghệ thuật về du lịch tỉnh Tiền Giang” năm 2013 (có bản photo Quyết định số 57/QĐ-TTXT ngày 17/12/2013 của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch).

Sản phẩm tranh lá tự nhiên 100% "Cầu đi bộ bến Ninh Kiều - Cần Thơ"

Đặc biệt với tác phẩm tranh lá “Cần Thơ đô thị miền sông nước” nghệ nhân Lê Đức Ngọc đã đạt giải nhì trong cuộc thi “Sáng tác mẫu sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch TP. Cần Thơ” năm 2019 do Ủy ban nhân dân và Sở Văn hóa thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ trao tặng.

Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực tranh ghép gỗ năm 2020 nghệ nhân Lê Đức Ngọc đã vinh dự được Bộ Công Thương phong tặng nghệ nhân ưu tú.

Yến Lê

Tin cùng chuyên mục