Nghệ An: Giá gừng tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm
Giá gừng bấp bênh
Là địa phương có thế mạnh về trồng gừng, chính vì vậy, nhiều nông dân ở huyện miền núi Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) vẫn kiên trì bám núi tăng gia sản xuất, dù giá cả lên xuống thất thường.
Gần 10 năm gắn bó với nghề trồng gừng, chị Mùa Chông Hơ ở bản Lữ Thành, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Qua 2 vụ vừa qua, gừng xuống giá thê thảm từ chỗ cao nhất 25.000 đồng/kg, xuống chỉ còn 7.000 đồng/kg. Thời điểm đầu tháng 3/2022, gừng tiếp tục xuống giá 5.000 đồng/kg. Vụ này giá gừng lên cao tới 30.000 đồng/kg, thì lại không còn gừng để bán.
Gừng Kỳ Sơn cho chất lượng vượt trội so với gừng các địa phương khác |
Theo tìm hiểu, đa phần người trồng gừng ở các bản làng của xã Tây Sơn đều lấy lời năm sau đắp vào bù lỗ cho năm trước. Theo người dân địa phương, từ tháng 2 hàng năm, bà con các dân tộc vùng cao Kỳ Sơn bắt đầu thu hoạch gừng, nhưng bước sang tháng 6 là thu hoạch chính vụ. Khác với năm trước chỉ từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, thì năm nay gừng được giá ngay từ đầu vụ, lên tới 16.000 - 18.000 đồng/kg và hiện nay là 30.000 đồng/kg.
Giá gừng bấp bênh là vậy, nhưng chị Mùa Chông Hơ khẳng định: “Không bỏ được nghề này vì ở đây cũng không biết làm gì ngoài trồng gừng, dù có khó khăn nhưng nó đã trở thành cái nghiệp rồi”.
Cũng mưu sinh từ gừng nhưng thương lái có thu nhập ổn định hơn người trồng. Chị Nguyễn Thị Thương cơ sở chuyên thu mua nông sản ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, có thâm niên 20 năm trong nghề cho biết: Đầu mùa gừng năm nay nhu cầu tiêu thụ tăng, giá thu mua cũng lên nhiều so với năm ngoái.
Tuy nhiên, người thu mua không dám ồ ạt gom nhiều hàng vì phải phụ thuộc tình hình xuất, nhập khẩu,thị trường chủ yếu sang Trung Quốc. Thêm vào đó, gừng Kỳ Sơn còn phải cạnh tranh giá cả với gừng của Lào nên thương lái không dám gom số lượng lớn. Thương lái chỉ thu mua theo số lượng đặt hàng của các nhà máy, doanh nghiệp chế biến, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.
Thương lái thu mua gừng tại rẫy tới 30.000 đồng/kg, tăng gấp 6 lần so với năm ngoái |
Gừng năm nay được giá nhờ xuất khẩu
Ông Xồng Bá Dênh - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, gừng là một trong những cây trồng cho thu nhập chính đối với bà con tại địa phương. Năm nay, cả xã trồng được 320 ha. Bà con thu hoạch gừng từ tháng 2 nhưng bước vào chính vụ là từ tháng 6. Năm nay bà con phấn khởi hơn vì gừng bán được giá cao, hàng trăm hộ dân có thu nhập tăng đáng kể, cá biệt có những gia đình thu về hàng trăm triệu đồng.
"Khi gừng được giá, bà con trong xã thi nhau thu hoạch, bán cho thương lái, do vậy đến đầu tháng 8 đã bán hết gừng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8, giá gừng bật tăng lên 30.000 đồng/kg, thì bà con không còn gừng để bán. Thấy gừng được giá, nhiều người lên rẫy đào mót gừng về gom bán cho thương lái, nhưng số lượng không được nhiều", ông Xồng Bá Dênh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Luân - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp & Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (huyên Kỳ Sơn), cho hay, các năm trước gừng không tiêu thụ được trên thị trường, khiến sản phẩm gừng của Kỳ Sơn phải "giải cứu", thì năm nay giá gừng lại bất ngờ tăng cao, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Người dân Kỳ Sơn thu hoạch gừng vụ mùa 2023 |
Gừng năm nay được giá là nhờ xuất khẩu, trong khi gừng các nơi chưa vào vụ thu hoạch. Riêng hợp tác xã vụ này đã thu mua được 1.000 tấn, sơ chế để cung cấp cho các tiểu thương ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu ra nước ngoài, một phần chế xuất ra tinh dầu gừng.
"Do nhu cầu thị trường gừng đang cao, nên hiện nay hợp tác xã vẫn đến các địa phương thu mua gom gừng cho bà con. Tuy nhiên, đang vào cuối vụ, nên bà con thu hoạch được ít, mỗi ngày chỉ thu mua được vài ba tấn...", ông Luân nói.
Cũng theo nhiều cơ sở thu mua gừng, giá gừng tăng mạnh gần đây do nguồn hàng khan hiếm, các địa phương khác chưa vào vụ thu hoạch, trong khi đang trái mùa thu hoạch, nhu cầu xuất khẩu lại lớn. Cùng với đó, giá gừng nhập từ Lào, Trung Quốc tràn vào thị trường luôn rẻ hơn gừng địa phương. Để cạnh tranh, cần nâng cao giá trị cho sản phẩm gừng, ngoài bán gừng thô, người dân, doanh nghiệp cần nghiên cứu hướng chế biến sâu để tăng giá trị thương mại.
Ngành chức năng Nghệ An cũng đã khuyến cáo bà con cần lựa chọn giống tốt, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, không sản xuất chạy theo phong trào, tránh xuống giống ở những nơi có thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Hơn nữa, giá gừng tăng bất thường không biết kéo dài bao lâu bởi giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu. Vì vậy, việc mở rộng diện tích sản xuất sẽ khó tránh khỏi rủi ro.
Theo UBND huyện Kỳ Sơn, năm nay diện tích gừng toàn huyện ước khoảng 800 ha. Gừng được trồng nhiều nhất ở các xã: Na Ngoi, Tây Sơn, Nậm Cắn, Phà Đánh, Huồi Tụ... Sản lượng gừng của Kỳ Sơn hàng năm đạt khoảng hơn 1.200 tấn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc. Sản phẩm đặc sản gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2019. Gừng Kỳ Sơn có 2 loại: Gừng dé và gừng sừng trâu, bà con thường kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 4. Đến nay, Kỳ Sơn đã có 3 sản phẩm được sản xuất từ gừng đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh: Gừng tươi, tinh dầu gừng và bột gừng. |