Ngành lương thực thực phẩm giữ tăng trưởng trong đại dịch
Ngành lương thực, thực phẩm phát triển trong nhiều khó khăn
Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành lương thực thực phẩm vẫn đảm bảo tăng trưởng, giữ giá cả ổn định, đáp ứng nguồn cung thực phẩm nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng.
Hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương nhằm đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa trong đó có ngành lương thực thực phẩm |
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - ông Trần Phú Lữ cho biết dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid- 19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến tháng 11/2021 đạt trên 109,05 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2020 (92,5 tỷ USD). Kết quả này có những đóng góp không nhỏ của ngành lương thực, thực phẩm khi đóng góp gần 13,8% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố.
Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm đã bị tác động nặng nề theo chiều hướng tiêu cực. Nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao từ 20- 50%, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy khiến nhiều DN sản xuất lương thực, thực phẩm lâm vào tình trạng khan hiếm đầu vào. Tình trạng giãn cách xã hội khắt khe khiến thiếu hụt lao động để duy trì và vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất.
Bên cạnh đó, việc hạn chế di chuyển trong nội thành cũng như các cửa ngõ ra vào của thành phố với các tỉnh thành lân cận đã gây ra không ít khó khăn đối với công tác hậu cần, vận chuyển và thông quan hàng hóa của các DN lương thực, thực phẩm nói riêng và DN thành phố nói chung. Nhiều đơn hàng xuất khẩu của DN không giao kịp tiến độ hoặc số lượng cam kết với đối tác nước ngoài gây thiệt hại lớn cho DN cả về uy tín cũng như tài chính.
Duy trì đà tăng trong bối cảnh bình thường mới
Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) Nguyễn Đặng Hiến cho biết nếu như trước năm 2020 thị trường ngành lương thực thực phẩm Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Nhưng năm 2021, dưới tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, chỉ số sản xuất của ngành đã giảm 7,8% so với cùng kỳ 2020. Sau khi TP. Hồ Chí Minh và cả nước nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch từ đầu tháng 10/2021, hoạt động sản xuất từng bước được phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến thực phẩm tháng 11/2021 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thời điểm này, hầu hết các DN trong ngành đã và đang nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng Tết. Mặc dù, thực tế tình hình khó khăn chung vì dịch bệnh, giá cả nguyên liệu đầu vào của sản xuất tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng giảm nhưng các DN đã sớm dự báo tình hình và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân trong giai đoạn mua sắm cuối năm, kể cả nếu thị trường có những biến động đột biến thì các DN vẫn đáp ứng được kịp thời.
Các DN như Công ty Cổ phần Ba Huân (sản xuất, kinh doanh thịt và trứng gia cầm) đang đẩy mạnh sản xuất để sẵn sàng cung ứng khoảng 1,5 triệu quả trứng/ngày vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm, tăng hơn nửa triệu quả/ngày so với thời điểm bình thường. Hay Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), sau thời gian phải thu hẹp kinh doanh do dịch bệnh, hiện DN đang tăng tốc sản xuất để bổ sung sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Công ty đã đầu tư hơn 754 tỷ đồng để sản xuất 2.800 tấn thịt lợn xô lọc (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%)... Các DN bánh kẹo như Tập đoàn KIDO, Công ty bánh kẹo Bibica... cũng đang tăng tốc chuẩn bị lượng hàng lớn đưa ra thị trường, số lượng tương đương năm trước nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
"Ngoài ra, với kinh nghiệm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa an toàn phòng chống dịch các DN ngành thực phẩm chú trọng đa dạng chuỗi cung ứng, không nên quá phụ thuộc vào một hai nhà cung cấp, khi có biến cố xảy ra sẽ rất khó xoay xở. Cần nội địa hóa một số máy móc, thiết bị để DN trong nước có thể chủ động, không phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài" - ông Hiến cho biết thêm.