Ảnh minh họa |
Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia chính sách Tổ chức Forest Trend - cho biết, trong khảo sát mới đây, có đến 83% DN ngành gỗ cho biết đã có kế hoạch phục hồi, chỉ 17% DN không có kế hoạch. Đối với các DN có kế hoạch phục hồi, các DN cho hay, sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh, kiểm soát dịch hiệu quả trong sản xuất và tăng quy mô chế biến. Số liệu điều tra cũng cho thấy, nhiều DN chế biến XK đã quay trở lại sản xuất với công suất đạt từ 70-80%.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và lâm sản đạt 10,76 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế đến nửa đầu tháng 10/2021, XK gỗ đạt 11,5 tỷ USD, cộng với 0,7 tỷ USD lâm sản ngoài gỗ đã tạo thêm động lực tăng trưởng cho mặt hàng này. Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, từ tháng 10 đã có sự tăng trưởng XK trở lại so với tháng 9 của năm 2021. Với việc cam kết và chủ động của các DN trong xây dựng kế hoạch những tháng cuối năm và kế hoạch năm 2022 thì mục tiêu 14,5 tỷ USD XK của năm 2021 vẫn có thể đạt được.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - cũng nhận định, dù khó khăn trong thiếu hụt lao động nhưng trong 3 tháng cuối năm 2021 này, kim ngạch XK gỗ sẽ quay trở lại như trước khi làn sóng dịch Covid-19 diễn ra. Cùng với các lợi thế từ các FTA và sự chủ động của DN trong việc đưa công suất hoạt động trong các tháng 10, 11 và 12/2021 tăng thêm khoảng 20-30% so với thời điểm dịch, trong năm nay XK gỗ sẽ vượt mức 14,5 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020.
Đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào và lao động là 2 trong số các yếu tố quan trọng nhất tác động đến kết quả sản xuất, kinh doanh, XK của DN thời điểm này. |