Ngành Công Thương Nghệ An: Chủ động bứt phá trong năm 2022
Theo báo cáo của ngành Công Thương Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức như giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Công Thương Nghệ An vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực.
Hội nghị tổng kết ngành Công Thương 6 tháng đầu năm 2022 - Điểm cầu Sở Công Thương Nghệ An sáng 14/7 |
Các chỉ tiêu cơ bản lĩnh vực công nghiệp, thương mại 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021 và đảm bảo tiến độ kế hoạch. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 41.625 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2021, đạt 45% kế hoạch. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế địa phương với tổng sản phẩm GRDP ước đạt 46.426 tỷ đồng, tăng 8,44%; riêng công nghiệp ước đạt 7.509 tỷ đồng, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 42.758 tỷ đồng, tăng 28,83% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 57,78% kế hoạch, vượt 15,56% kịch bản. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.100,12 triệu USD, tăng 21,48% so với cùng kỳ 2021, đạt 55% kế hoạch, vượt 22,24% kịch bản. Thị trường xuất khẩu gia tăng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và đặc biệt tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Thị trường xuất khẩu được chú trọng phát triển, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đến 160 nước và vùng lãnh thổ, trong đó một số thị trường xuất khẩu mới 6 tháng đầu năm như: Sao Tome và Principe, Costa Rica, Guinea Xích đạo, Niger, Djibouti, Palau, New Caledonia, Armenia…
Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành Công Thương Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận, phát triển ngành công thương 6 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2022 tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2021, tuy nhiên một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như linh kiện điện tử, phân bón, thức ăn gia súc,... giảm so với cùng kỳ năm 2021 do gặp khó khăn về vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá địa phương, xuất khẩu hàng hoá qua biên giới... gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, lao động kỹ thuật cao thiếu; trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn yếu; nhận thức và tư duy về ảnh hưởng của công nghiệp 4.0; chưa tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... sản phẩm hàng hóa địa phương đa dạng nhưng nhỏ lẻ; sức cạnh tranh yếu;
Công tác dự báo tình hình, nắm bắt thông tin thị trường của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có lúc chưa kịp thời. Triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra;
Công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành giữa các cấp, ngành, địa phương được tăng cường nhưng chưa thường xuyên. Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa còn nhiều bất cập, làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh.
Khả năng ứng phó với các vấn đề mới, các thay đổi từ bên ngoài đôi lúc còn bị động, thiếu linh hoạt; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.
Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Phạm Văn Hoá Để đạt các mục tiêu trong 6 tháng cuối năm, ngành sẽ bám sát diễn biến tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đa dạng các loại hình, kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại; phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn trên cơ sở triển khai các quy hoạch, cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thương nhân tham gia vào hệ thống hạ tầng thương mại; đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hạ tầng thương mại… Mặt khác, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp trong khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo tiến độ các dự án và thu hút các nhà đầu tư mới. Cùng với đó tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 330/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tham mưu phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện sinh khối, điện rác, điện mặt trời… Nắm bắt thường xuyên, liên tục về tình hình xuất nhập khẩu và khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; tham mưu có hiệu quả chương trình làm việc với một số doanh nghiệp nhằm nắm bắt thuận lợi, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu. Phấn đấu đưa thêm một số sản phẩm của Nghệ An xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Nghiên cứu nhu cầu thị trường để tham mưu sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường trên thế giới. |