Ngành Công Thương Nghệ An: Công nghiệp chế biến phát huy lợi thế |
Theo đó, sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng; thị trường ổn định, phát triển khá...
Phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Công Thương Nghệ An đã phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước, triển khai thực hiện nhiều giải pháp duy trì, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Sở Công Thương Nghệ An kết nối với siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn để tiêu thụ hàng hóa cho người dân |
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 21.558 tỷ đồng, vượt 10,55%, tăng 20,54%/cùng kỳ...
Đáng chú ý, trong cao điểm dịch bệnh vừa qua, ngành Công Thương theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các địa phương, nhất là vùng có dịch. Bên cạnh các giải pháp đảm bảo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Sở Công Thương Nghệ An còn đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ nông sản cho các địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính, chỉ đạo điều hành, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống thiên tai... Ngoài các lĩnh vực trên, ngành còn tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Nhằm đạt mục tiêu năm 2022, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường các hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thực hiện chương trình liên kết giữa Nghệ An với các tỉnh, thành phố; triển khai hiệu quả công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân", ông Phạm Văn Hóa nhấn mạnh.
Nỗ lực cho các mục tiêu năm 2022
Năm 2022 cùng khó khăn chung của nền kinh tế, ngành Công Thương cũng gặp không ít thách thức. Các ngành công nghiệp thế mạnh như điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất cơ khí… gặp khó do tình hình dịch bệnh kéo dài. Một số sản phẩm chủ lực có xu hướng bão hòa về thị trường, trong khi các sản phẩm công nghiệp chủ lực mới chưa phát triển rõ nét. Mặt khác, tiến độ xây dựng hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp chậm, ảnh hưởng đến thu hút các dự án đầu tư lớn vào công nghiệp. Một số DN công nghiệp lớn đã đầu tư tại Nghệ An khi cần mở rộng sản xuất, nhưng do thiếu mặt bằng đã đầu tư sang các địa phương khác…
Mặc dù vậy, ngành Công Thương vẫn đặt kế hoạch năm 2022 với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 92.500 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 74.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 2.350 triệu USD.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành chủ động đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp, tạo thuận lợi cho sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại phát triển. Thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; phát triển công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn… Đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; tổ chức các chương trình liên kết vùng tạo nguồn cung hàng hóa ổn định…