Thứ bảy 23/11/2024 19:06

Nâng chất nguồn nhân lực để thêm cơ hội việc làm tốt

7 tháng năm nay, hơn 89.874 lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mỗi tháng gần 13.000 người ra nước ngoài làm việc

Với 89.874 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 7 tháng, đạt 71,89% kế hoạch năm 2024. Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 13.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Đây là con số ấn tượng sau một loạt chính sách của Đảng, Nhà nước trong chính sách tạo việc làm cho người lao động.

Giới chuyên gia đánh giá, thị trường lao động không ngừng được mở rộng, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt. Tính đến nay, hơn 40 thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam. Những thị trường mới đều là quốc gia có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, như Cộng hòa Liên bang Đức, Ba Lan, Séc... Còn những thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... số lượng người lao động đi làm việc đều gia tăng hàng năm.

Mỗi tháng có gần 13.000 người ra nước ngoài làm việc. Ảnh: molisa.gov.vn

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được xác định là một trong những kênh quan trọng góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững.

Ước tính hàng năm, số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,5 - 3 tỷ USD. Nguồn ngoại tệ lớn không chỉ giúp người lao động thoát nghèo mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tại những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, diện mạo quê hương thay đổi, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm.

Đánh giá của giới chuyên gia, dư địa hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước còn rất lớn, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ngày càng tăng cao. Lao động Việt Nam làm việc tại nhiều nước có kỹ năng nghề tốt, chăm chỉ và hòa nhập nhanh.

Phát biểu tại Diễn đàn về hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra mới đây, ông Lee Woo Young - Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc - đánh giá, lao động Việt Nam có đóng góp nhiều cho sự phát triển hai nước, chương trình hỗ trợ lao động cũng là trọng tâm được quan tâm của Chính phủ Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, sau khi lao động Việt Nam hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về cũng đều trưởng thành, trở thành nhân lực quan trọng trong nhiều tập đoàn lớn hiện diện ở Việt Nam. Sở dĩ có được là do người lao động Việt Nam được làm việc trong môi trường hiện đại, được rèn luyện tác phong, kỷ luật lao động.

Nâng cao chất lượng để phát triển bền vững

Dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập, hạn chế. Trong đó, chất lượng nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Thực tế thời gian qua, mặc dù đã được quan tâm nhưng chất lượng nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn và ngành phục vụ kinh tế số. Cơ cấu các ngành đào tạo hiện nay chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động, nhất là lao động trong ngành kinh tế mới. Chất lượng đầu ra và yêu cầu thực tế của thị trường lao động vẫn là một khoảng cách khá lớn. Việc thiếu lao động chất lượng cao phần nào tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động.

Trong định hướng hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; đẩy mạnh việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Vì mục tiêu nâng cao nguồn nhân lực hữu ích, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác lao động với nhiều nước như: Cộng hòa Liên bang Đức, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… và tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thông tin trong buổi làm việc với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đang chuyển hướng sang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn. Ngoài ra, các trường ở Việt Nam cũng đang tập trung vào đào tạo những ngành nghề mới nổi.

Bàn về vấn đề này, TS. Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng - cho rằng: Để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng và đủ cho nhu cầu thị trường, chúng ta phải trả lời được câu hỏi doanh nghiệp nào đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào phân khúc nào, thực hiện công đoạn nào trong quy trình công nghệ bán dẫn...

Ở khía cạnh khác, để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài, tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được xem xét và thông qua vào năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung nhiều đối tượng được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, ngoài 5 nhóm được hỗ trợ theo quy định của luật hiện hành, gồm: Người lao động là người dân tộc thiểu số; lao động thuộc hộ nghèo; lao động thuộc hộ cận nghèo; lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân người có công với cách mạng. Ban soạn thảo đề xuất bổ sung thêm các nhóm gồm: Người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội. Đặc biệt, tập trung nguồn lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đầu ra cho các ngành công nghệ cao, qua đó góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đưa được 627.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân 125.000 lao động/năm. Năm 2021, do đại dịch Covid-19, nhiều thị trường lao động nước ngoài tạm ngừng hoặc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cảnh. Đến năm 2022, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 lao động và năm 2023 là 159.986 lao động; qua đó góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đây cũng là nguồn cung lao động chất lượng khi về nước.
Tâm An
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường lao động

Tin cùng chuyên mục

Sôi động thị trường lao động tại các khu công nghiệp dịp cuối năm

Nhân sự 22/11: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thay nhân sự chủ chốt; Bình Phước có tân nữ Bí thư Tỉnh

Dự báo thời tiết biển hôm nay 23/11/2024: Có gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 23/11/2024: Bắc Bộ nhiệt độ hạ thấp, Nam Bộ ngày nắng

Mức hỗ trợ người có công xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở

Viettel tuyển thẳng 101 tài năng công nghệ từ hơn 3.000 hồ sơ ứng tuyển

Chạy thử nghiệm 3 làn thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài

Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn

Liên đoàn Lao động 5 tỉnh đồng bằng sông Hồng bổ sung hơn 2.400 thỏa ước lao động tập thể

Hội thảo khoa học quốc gia ‘Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh'

Tăng 650.000 ghế, hàng không Việt Nam vẫn lo thiếu chỗ dịp Tết

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 2 phi công vụ rơi máy bay tại Bình Định

Doanh nghiệp 'bắt tay' với trường đại học đào tạo phát triển nhân tài số

Trao giải cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2024

Cẩn trọng với tình trạng kháng kháng sinh

Chiến thắng Bình Giã góp phần làm phá sản chiến lược ‘chiến tranh đặc biệt’

Từ năm 2024, bổ sung thêm 2 nhóm giải mới vào Giải Báo chí quốc gia

Phát động giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất

Nhân sự ngày 21/11: Công bố lí do kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Dự báo thời tiết biển hôm nay 21/11/2024: Biển Đông có gió Đông Bắc hoạt động mạnh