Bổ sung chế tài liên quan đến thuốc lá điện tử
Sáng 25/12, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo cung cấp thông tin kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, tại điểm 2.2 đối với lĩnh vực y tế có nêu: "Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể".
Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 6 của khu vực ASEAN cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam mà đối với cả quốc tế, WHO hay các tổ chức khác đều đã gửi thư chúc mừng", bà Thủy cho hay.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Ảnh: Nguyên Thảo |
Trước đó, thông qua các báo cáo và nghiên cứu quốc tế, Bộ Y tế đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử không chỉ gây nghiện mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe như tổn thương phổi, các bệnh tim mạch và ung thư.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh rằng, những sản phẩm này không phải là giải pháp an toàn thay thế cho thuốc lá truyền thống, dù nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ chúng ít độc hại hơn.
Về định hướng tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, bà Thủy thông tin, Bộ Y tế đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo đối với 2 nội dung.
Thứ nhất, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan dự thảo Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 173 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội thực hiện. Kế hoạch này dự kiến sẽ trình Thủ tướng chính phủ ban hành chậm nhất vào quý 1/2025.
Thứ hai, giao Bộ Y tế xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn.
"Trong đó, dự kiến bổ sung hành vi "chứa chấp", "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người. Đồng thời bổ sung thẩm quyền xử phạt hành vi này theo trình tự thủ tục rút gọn", đại diện Vụ Pháp chế cho hay.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Trần Minh |
Tập trung chặn nguồn cung
Tại hội thảo, ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - thông tin, theo nghiên cứu tổng hợp số liệu GYTS từ 75 quốc cho thấy, các quốc gia có quy định cho phép thuốc lá điện tử có tỷ lệ sử dụng trung bình cao gấp 1,8 lần so với các quốc gia chưa có quy định. Trong khi đó, các quốc gia cấm có tỷ lệ chỉ bằng 0,6 lần so với các quốc gia không có quy định.
Ông Lâm cũng dẫn kết quả nghiên cứu của Meta-Analysis cho thấy, người trẻ tuổi thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử.
Cụ thể, có tới 2/3 người dùng thuốc lá nung nóng ở Nhật Bản và gần như tất cả (96,2%) ở Hàn Quốc dùng đồng thời thuốc lá truyền thống và nung nóng.
Một nghiên cứu gần đây ở Nhật Bản chỉ ra rằng, vào năm 2018, hầu hết những người sử dụng thuốc lá nung nóng ở Nhật Bản cũng đang hút thuốc lá truyền thống hàng ngày (94,4%).
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh Trần Minh |
Chia sẻ thêm những khuyến nghị của WHO về thực thi quy định cấm thuốc lá điện tử, theo ông Nguyễn Tuấn Lâm để việc thực hiện Nghị quyết 173 hiệu quả, Việt Nam cần tập trung vào ngăn chặn nguồn cung, ngăn việc nhập lậu, buôn bán và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tăng cường ngăn chặn tại các cửa khẩu cũng như tại các điểm bán;
Mức phạt với các hành vi vi phạm cần đủ cao, có tính răn đe. Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm) và Nghị định 38/2021/NĐ-CP (lĩnh vực văn hóa, quảng cáo) đã có quy định khá phù hợp. Cần thực thi cả môi trường thực địa và môi trường mạng.
Trong bối cảnh hiện nay cần tập trung nhiều cho việc ngăn chặn buôn bán và quảng cáo trên mạng. Cần có chiến dịch ra quân và duy trình mạnh mẽ, giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cấm uống rượu lái xe. Cần kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức, và sự vào cuộc đa ngành.
Cùng với đó, cần có các cuộc khảo sát, đánh giá thường xuyên để theo dõi mức độ sử dụng và hiệu quả của việc thực thi quy định cấm.