Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp giúp tăng sức cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dần vươn lên làm chủ và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Hà Nội hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 35% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể nâng cao sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu như khó khăn về nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp tăng khả năng thu hút FDI, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, tạo đà cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển…
Nhà máy TOMEKO An Khang. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp |
Song, có một thực tế là nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ. Đây là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử... đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Vân nhận định, một thực tế đáng lo ngại là hiện các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang chịu sự cạnh tranh rất lớn về vấn đề thu hút người lao động chất lượng cao. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị tuột mất rất nhiều hợp đồng sản xuất cũng như cơ hội đầu tư đến từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Theo ông Vân, nguyên nhân có một phần là từ các chương trình đào tạo nhìn chung hiện nay vẫn chưa theo sát giữa xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong nhà trường, đối với các chương trình đào tạo kỹ sư thì cũng đang đào tạo thiên về lý thuyết và rất thiếu thời lượng thực hành. Để giải bài toán về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ hiện nhiều doanh nghiệp đã phối hợp, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.
Trên thực tế, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng. Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất, đủ năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, ngành khuôn mẫu là nền tảng của nhiều ngành công nghiệp sản xuất, từ đồ gia dụng đến hàng không và điện tử. Vì vậy, để nâng cao năng lực chế tạo và làm chủ công nghệ khuôn mẫu cho các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam hợp tác cùng nhau triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu với mục tiêu đào tạo 200 chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu (khuôn ép nhựa và khuôn dập).
Liên kết đào tạo để nâng cao nguồn nhân lực
Cục Công nghiệp cho biết, hiện nay Cục Công nghiệp đã giao Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Trung tâm cũng đang phối hợp với Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông vận tải trong xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển nguồn nhân lực chung cho ngành CNHT, đặc biệt là cho nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô.
Ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) cũng cho rằng, việc cập nhật, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động là quan trọng, được thực hiện thường xuyên để cập nhật sự thay đổi của các loại máy móc, điều hành. Do đó, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà trường.
Là một trong những doanh nghiệp lớn, Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) chú trọng hợp tác với các trường cao đẳng, đại học. THACO đã ký kết, hợp tác với hơn 45 trường đại học, cơ sở đào tạo trong cả nước để phối hợp đào tạo, tiếp nhận thực tập, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tài trợ giáo dục và trang thiết bị học tập.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cho công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phát triển, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần có kế hoạch đào tạo nguồn lực bài bản, có lộ trình và những chế độ đãi ngộ phù hợp, đòi hỏi sự chủ động từ 2 phía doanh nghiệp và nhà trường. TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là những khóa giúp nâng cao trình độ người lao động, chuyển giao khoa học - công nghệ. Việc này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ khắc phục khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao. Mỗi năm nhà trường tuyển sinh khoảng 2.000 học viên để đào tạo những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Lê Quý Thành - giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang (thành viên của Công ty CP Cơ điện TOMECO - Hà Nội) cho hay, TOMECO đã và đang phối hợp với các trường đại học như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc tìm kiếm những nguồn lao động chất lượng cao và đặt ra các đầu vào cần thiết của doanh nghiệp, giúp các trường có được những thông tin từ phía doanh nghiệp để kịp thời đổi mới chương trình đào tạo cũng như bổ sung những ngành đào tạo cần thiết.
Với những giải pháp chủ động từ phía doanh nghiệp hay nâng cao sự phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo cho thấy hiệu quả và hy vọng rằng sẽ tiếp tục phát huy trong phát triển nguồn nhân lực, đem lại những giá trị hữu ích cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.