Nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất
Nguy cơ tai nạn lao động vẫn hiện hữu
Theo số liệu của Vụ Quản lý khu kink tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 327 khu công nghiệp được thành lập, trong đó, có 256 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 71 khu công nghiệp đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 28,5 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động đạt gần 75%.
Thu hút tới gần 3,7 triệu lao động làm việc, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các khu sản xuất – kinh doanh tập cần được quan tâm đúng mức (Ảnh minh hoạ) |
Cũng theo đơn vị này, hiện có 17 khu kinh tế ven biển đã được thành lập, ngoài ra, khu kinh tế Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) nằm trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế nhưng chưa được thành lập.
Lũy kế đến tháng 9 năm 2019 có 35 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế, trong đó, 20 khu công nghiệp đang hoạt động và 15 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản. Và tính đến hết tháng 9 năm 2019, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được 388 dự án và hiện có gần 3,7 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%.
Còn theo đánh giá của ngành Lao động – Thương binh – Xã hội, nhìn chung, tại các khu công nghiệp trên cả nước hiện nay, việc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân được các doanh nghiệp thực hiện khá tốt. Qua theo dõi về công tác an toàn - vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế với các phương tiện hỗ trợ lao động đầy đủ hơn; người lao động được học tập kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ khá đầy đủ.
Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về việc thực hiện các chế độ cho người lao động, công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, lãnh đạo UBND các địa phương có khu công nghiệp đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Dù vậy, qua kiểm tra của các ngành chức năng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác này, dẫn đến tai nạn vẫn còn thương xuyên xảy ra.
Điển hình như ở Đồng Nai, hiện tỉnh này có trên 30 khu công nghiệp từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư. Tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này khoảng trên 560 nghìn người. Với lực lượng lao động đông đảo như vậy, song nhiều chủ doanh nghiệp chưa quan tâm sâu sát, đầu tư chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, chưa nhận thức đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động là quan trọng. Vì vậy, hàng năm số lượng tai nạn lao động xảy ra tại các khu công nghiệp còn khá cao, gần 1.500 vụ/năm, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động và gây ra nhiều tổn thất cho doanh nghiệp.
Tương tự theo thông tin từ Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), một bộ phận doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo an toàn nên tai nạn lao động vẫn xảy ra. Hàng năm trên địa bàn toàn thành phố xảy ra trên 1.500 vụ tai nạn lao động, làm bị thương và chết hàng nghìn người, trong đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp xảy ra vụ tai nạn lao động ở mức độ khá cao.
Nâng cao nhận thức của cả doanh nghiệp và người lao động
Theo các chuyên gia, với số lượng doanh nghiệp và người lao động đông đảo như vậy thì biện pháp đảm bào ATVSLĐ hiệu quả nhất là chú trọng tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về an toàn lao động cho người lao động, người sử dụng lao động, giúp họ nắm vững các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động...
Do là những khu sản xuất – kinh doanh tập trung nên thuận lợi cho công tác tuyên truyền, từ phương thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực tiếp đến các hình thức khác, như: treo băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền trong khu vực sản xuất;…
Đồng thời, các đơn vị, nhất là các Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và bản thân doanh nghiệp cần rà soát và xây dựng đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Song song đó, các cơ quan quản lý cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động của doanh nghiệp đối với người lao động, như: xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng thoả ước lao động, việc ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chính sách về bảo hiểm đối với người lao động, trang bị bảo hộ lao động, chấp hành quy định về sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động…
Đặc biệt, việc đôn đốc thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng thoả ước lao động, xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa người sử dụng lao động và người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện cho người lao động… cũng được xem là yếu tố quan trọng không chỉ giúp đảm bảo công tác ATVSLĐ mà còn giúp người lao động yên tâm làm việc, giảm sự biến động lao động do sự chuyển dịch lao động giữa các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.