Với đặc thù chuyên sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng từ đất sét, Công ty CP Viglacera Hạ Long có hơn 3.600 công nhân lao động, trong đó nhiều lao động làm công việc nặng nhọc và có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Để đảm bảo an toàn, công ty đã đầu tư chiều sâu vào việc thay đổi công nghệ, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân; đầu tư thiết bị bảo hộ tốt cho người lao động ở những vị trí đặc thù; xây dựng quy chế, quy định về ATVSLĐ; triển khai tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho các đối tượng vận hành thiết bị, máy móc và người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về công tác an toàn; huấn luyện ATVSLĐ định kỳ cho cán bộ quản lý các đơn vị... Những hoạt đông này đã góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng an toàn cho cán bộ, công nhân.
Không chỉ Viglacera Hạ Long, thời gian qua, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng nghiêm túc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về ATVSLĐ; chú trọng kiện toàn, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, chi phí đầu tư cho công tác ATVSLĐ của các DN trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm trên 1.100 tỷ đồng. Với sự cố gắng của các cấp, ngành, đơn vị, DN, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Là tỉnh công nghiệp, Quảng Ninh còn thu hút nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với hàng vạn lao động làm việc. Thời gian qua, các DN FDI trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ như: Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho chủ sử dụng lao động, người lao động, nhất là mạng lưới an toàn vệ sinh viên; thực hiện chủ trương, quy định của đơn vị, chính sách pháp luật của nhà nước về ATVSLĐ; nghiên cứu khoa học, chỉ đạo khảo sát thực trạng về tình hình ATVSLĐ ở các bộ phận để có kế hoạch thực hiện phù hợp. Thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định về ATVSLĐ ở các bộ phận; thông tin kịp thời xử lý về các vụ tai nạn lao động, nguy cơ tai nạn lao động, có biện pháp phòng ngừa, xử lý mạnh tay đối với những trường hợp vi phạm; đầu tư nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ kỹ năng nắm bắt kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng nghiên cứu khoa học ATVSLĐ…
Có thể kể đến như Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. Công ty hiện có 400 công nhân viên chức lao động, trong đó 300 lao động trực tiếp. Công suất sản xuất đạt khoảng 1.300 tấn dầu tinh chế/ngày. Hoạt động xuất nhập hàng hóa hàng ngày từ 150 - 200 chuyến xe ra vào nhà máy/ngày. Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động. Theo đó, DN đã tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị được thay thế bởi những công nghệ tiên tiến nhất, lắp đặt các hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tự động hiện đại. Hàng năm, công ty đầu tư kinh phí nâng cấp sửa chữa trang thiết bị an toàn và đào tạo từ 2,2 - 2,4 tỷ đồng. Nhờ đó, điều kiện làm việc được cải thiện…
Hay tại các phân xưởng của Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long. DN có 70% vốn FDI, đều treo dán nội quy ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ (PCCN). Ở các khu vực cần thiết trang bị sẵn bình chữa cháy. Hàng năm, công ty phối hợp với cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức đào tạo, huấn luyện đội PCCC của công ty, cấp chứng chỉ và trả phụ cấp. Bảo hộ lao động cũng được cấp phát đầy đủ, định kỳ theo quy định.
Nhờ công tác an toàn lao động được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt, nên DN không chỉ phát triển sản xuất, kinh doanh tốt hơn, mà còn tạo được niềm tin, uy tín thương hiệu đối với người lao động, cũng như công chúng.
Theo thống kê hàng năm, doanh thu của các DN trong khối FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự tăng trưởng mạnh; nộp ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. |