Khai thác khoáng sản, nhất là khai thác than có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, môi trường khai thác than luôn được xếp vào loại nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bệnh nghề nghiệp ở mức cao. Để kiểm soát nguy cơ mất an toàn lao động, các doanh nghiệp ngành than nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã chủ động nhiều giải pháp.
Đổi mới công nghệ để đảm bảo an toàn lao động |
Tại Công ty CP Than Hà Lầm – Vinacomin, đơn vị sản xuất chủ yếu ở mức -150 đến -300m. Với điều kiện khai thác mỏ hầm lò xuống sâu như vậy kéo theo địa chất phức tạp hơn, nguy cơ bục nước, khí mỏ tăng. Vì vậy, tất cả thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đều được công ty kiểm định và niêm yết nội quy, quy trình vận hành. Các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra hiện trường sản xuất ở cả 3 ca để chấn chỉnh kịp thời nguy cơ mất an toàn và các biểu hiện vi phạm về an toàn lao động.
Cũng như Than Hà Lầm, nhiều đơn vị khai thác than trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn cho thợ lò. Công nhân khai thác hầm lò đã được đào tạo bài bản và thường xuyên huấn luyện, đào tạo lại về kỹ thuật, kỹ năng lao động và an toàn, để thợ lò có kiến thức trong việc thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
Theo đó, các công ty, đơn vị đã phối hợp với cơ quan tư vấn thiết kế, chuyên gia chuyên ngành rà soát công nghệ đang áp dụng trong hầm lò, đưa công nghệ phù hợp điều kiện địa chất mỏ, phù hợp khả năng quản lý kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, giám sát được những dự báo sự cố, tiềm ẩn dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, việc đưa công nghệ thông tin liên lạc vào trong hầm lò đã tạo cho công tác chỉ đạo, điều hành chính xác trong kỹ thuật đào lò, giảm chi phí sản xuất, đạt năng suất cao, phát hiện kịp thời nguy cơ, tiềm ẩn mất an toàn.
Cùng với đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng cơ khí hóa vào khai thác, các đơn vị còn đầu tư thiết bị cảnh báo an toàn, tạo điều kiện và cải thiện làm việc cho công nhân như: Hệ thống thông gió, trạm đo khí, cấp nước cứu hỏa, phòng, chống cháy nổ; hệ thống cấp khí nén trong lò, chiếu sáng, thông tin liên lạc, thiết bị thăm dò trước gương than; hệ thống cảnh báo khí mê-tan đặt tại các gương lò khai thác than 24/24 giờ; lắp đặt các trạm quạt gió chính có hệ thống đảo chiều; rà soát lại các thiết bị thăm dò chống bục khí, bục nước...
Không chỉ khai thác than – khoáng sản mà bất cứ ngành nghề nào nếu người lao động, chủ sử dụng lao động lơ là, không chú trọng khâu an toàn đều dễ dẫn đến tai nạn lao động. Vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã giám sát chặt chẽ vấn đề an toàn trong xây dựng của các ngành nghề.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 18.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với trên 400.000 lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp phần lớn đã có bộ phận ATVSLĐ (bao gồm cả hệ thống giám sát an toàn trên công trình), bộ phận y tế, an toàn, vệ sinh viên; lập kế hoạch ATVSLĐ, tiến hành đánh giá rủi ro tại nơi làm việc, lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, tổ chức lực lượng ứng cứu, tự kiểm tra, thống kê, báo cáo về ATVSLĐ.
Thời gian tới, để kiểm soát nguy cơ mất an toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ninh tiếp tục phối hợp cùng các cấp, ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về những biện pháp phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến doanh nghiệp và người lao động; tăng cường công tác huấn luyện ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại nơi làm việc.