Thứ hai 18/11/2024 05:20

Nâng cao giá trị cây quế để phát triển bền vững- Bài 2: Vẫn còn những thách thức cho cây quế

Mặc dù lợi ích kinh tế mà cây quế đem lại là không nhỏ. Tuy nhiên, cây gia vị này cũng đang đối diện với rất nhiều thách thức cho phát triển bền vững.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù lợi ích kinh tế mà cây quế đem lại là không nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Yên Bái, có một thực tế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế Yên Bái là công tác quản lý chất lượng cây giống, tình trạng sâu bệnh xảy ra với cây quế và tình trạng khai thác không hợp lý, tận thu quá mức….

“Nhiều hộ trồng quế đã khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây tỉa cành không khoa học, tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và chất lượng của sản phẩm từ quế”, ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ.

Người dân tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang thu hoạch vỏ quế tại rừng trồng

Là một trong những địa phương có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước ông Tô Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho hay, với vùng nguyên liệu tương đối phát triển, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, vùng nguyên liệu gần các nhà máy, cơ sở sản sản xuất đang là những yếu tố thuận lợi giúp phát triển ngành hàng quế Lào Cai.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cộng, việc chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ, năng lực tiếp thị và hiểu biết thị trường yếu. Việc tiếp cận thị trường xuất khẩu quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn. Thị phần thị trường giá trị cao còn hạn chế. Diện tích quế hữu cơ bắt đầu phát triển nhưng còn rất ít, dưới 7% tổng diện tích, sản phẩm chưa đa dạng. Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, HTX để kết nối với các doanh nghiệp.

Việc gia tăng sản lượng nhanh chóng, trong khi đó thị phần thị trường truyền thống đang tiến tới điểm ngưỡng đang là những yếu tố cản trở sự phát triển cây quế tại Lào Cai. “Với diện tích quế tăng quá nhanh sẽ tạo áp lực tiêu thụ lên thị trường truyền thống. Do đó, cần tính toán đến các thị trường cao cấp, tìm đầu ra cũng như nâng cao giá trị cho sản phẩm quế”, ông Tô Mạnh Tiến nhận định.

Mặt khác, đối với quế và sản phẩm quế hiện nay chúng ta chưa có khái niệm hữu cơ. Chế biến sâu mới dừng ở tinh dầu. Ngoài ra, các khâu liên quan đến logistics, quảng bá sản phẩm còn nhiều khó khăn tác động đến sự phát triển của ngành hàng.

Người nông dân tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vác quế từ rùng về sau khi thu hoạch

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Long – Cán bộ quản lý dự án Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà cho hay, tồn dư hóa chất/hàm lượng kim loại trong sản phẩm quế vượt tiêu chuẩn xuất khẩu đang là một trong những thách thức đối với quế Việt Nam nói chung và quế Yên Bái nói riêng.

“Tồn dư hóa chất/hàm lượng kim loại nặng trong sản phẩm quế vượt tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường EU và Mỹ đó là chì, thủy ngân. Bên cạnh đó, có một tình trạng cũng đang xảy ra nhiều với quế đó là 02 hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật gồm hoạt chất glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và hoạt chất chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu). Mặc dù 2 hoạt chất này đã bị cấm sử dụng, buôn bán tại Việt Nam, tuy nhiên, vẫn xuất hiện rất nhiều trong các sản phẩm quế. Với hoạt chất Chlorpyrifos, thị trường EU và Mỹ cho phép hàm lượng này 0,01 PPM, do đó, với chỉ số như này thì gần như bằng 0”, ông Lê Văn Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc chưa có tài liệu chính thức về nguồn gen, các giống cây quế đang trồng cũng là một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp thu mua quế cho bà con để chế biến xuất khẩu.

Để cải thiện một số hàm lượng kim loại vượt chỉ tiêu chuẩn và xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính như Mỹ, EU, ông Lê Văn Long kiến nghị, các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia điều tra, đánh giá, lấy mẫu... Đưa ra các chính sách phù hợp mang tính chiến lược và toàn diện cho chuỗi quế. Cải thiện tồn dư hóa chất trong quế, các hóa chất trong danh mục cấm như tuyên truyền các vùng sản xuất quế sản xuất theo hướng hữu cơ, bộ tiêu chuẩn thương mại đa dạng sinh học có đạo đức (UEBT/RA). Đồng thời kiểm tra, kiểm soát việc mua bán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Về nguồn gen và xuất xứ giống quế, ông Lê Văn Long cho rằng, UBND các cấp cần có cơ chế, chính sách quản lý, kiểm soát việc ươm và kinh doanh giống quế trên địa bàn. Đồng thời, cần có các nghiên cứu và tài liệu mang tính khoa học về nguồn gen.

Công nhân tại Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đang phân loại quế

Về phía doanh nghiệp, hiện Sơn Hà cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương, một số chuyên gia đầu ngành nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân vì sao xuất hiện các hoạt chất này trong quế, từ đó, đưa ra các phương án để có thể giảm thiểu các hoạt chất này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho nông dân, cho hệ thống đại lý thu mua, kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhằm tuyên truyền kiểm tra đánh giá vùng nguyên liệu, đảm bảo sự tuân thủ các nguyên tắc sản xuất trong toàn chuỗi.

Hướng đến phát triển vùng quế hữu cơ

Trước thực trạng đặt ra, để phát triển cho ngành quế địa phương, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây quế trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020 đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển diện tích trồng quế trên địa bàn tỉnh với chính sách hỗ trợ cây giống, từ đó đã hình thành lên nhiều vùng trồng quế với quy mô và diện tích lớn như hiện nay.

Doanh nghiệp xuất khẩu tập huấn cho bà con trồng quế tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trồng quế hữu cơ và khai thác sao cho đạt chất lượng cao nhất

Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị đối với các dự án sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô từ 1.000 ha trở lên được hỗ trợ 2 tỷ đồng/1 dự án. Đây là cơ hội để phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ông Nguyễn Thái Bình cho hay, tỉnh cũng đưa ra định hướng cụ thể trong giai đoạn 2021- 2025 là duy trì những diện tích quế hiện có với quy mô trên 80 nghìn ha cũng như tập trung các diện tích có khả năng phát triển trong giai đoạn 2021- 2025, từ đó, tuyên truyền hướng dẫn cho các hộ trồng quế trên địa bàn tham gia thực hiện đúng quy trình quản lý rừng bền vững và tiến tới trồng chăm sóc theo hướng hữu cơ, an toàn nhằm nâng cao chất lượng cây quế.

Ông Tô Mạnh Tiến- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai – cho biết, trong chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai và Nghị quyết 10 của tỉnh ủy Lào Cai đã xác định quế là một trong các ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Trong đó, mục tiêu phát triển ngành hàng quế có quy mô khoảng 60.000 ha; có khoảng 30.000 - 35.000 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến các sản phẩm quế; thành lập các tổ hợp tác, HTX phát triển vùng nguyên liệu và sơ chế, thu mua các sản phẩm quế; tổ chức liên kết sản xuất và hình thành các tổ chức xã hội nghề nghiệp để thúc đẩy ngành hàng quế. “Lào Cai đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng chứng chỉ quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến các sản phẩm quế”, ông Tô Mạnh Tiến cho biết thêm.

Phát triển chuỗi giá trị cho cây quế Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung, phía tỉnh Lào Cai cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 về Phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, đưa các sản phẩm lâm nghiệp làm gia vị như quế, hồi, sa nhân… vào danh mục được hưởng chính sách. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, chính phủ sớm sửa đổi luật đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản thuộc đối tượng Nhà nước giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy.

Về phía Bộ NN&PTNT xem xét sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-BNN&PTNT về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng: hỗ trợ rừng sản xuất bằng các cây đa tác dụng, cho sản phẩm phụ có chuỗi giá trị liên kết như quế, hồi,... để nâng cao sinh kế và tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

Với vùng nguyên liệu tương đối phát triển, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, vùng nguyên liệu gần các nhà máy, cơ sở sản sản xuất đang là những yếu tố thuận lợi giúp phát triển ngành hàng quế tại các địa phương như Yên Bái, Lào Cai…. Xây dựng quy hoạch vùng và phát triển vùng quế hữu cơ gắn với xây dựng nhà máy chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân sẽ giúp cho ngành quế tại các địa phương này phát triển bền vững.

Còn tiếp...

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Lào Cai

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Lai Châu: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống