Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Việt Nam khẳng định vị thế trong hội nhập
Bước đi đầu tiên, bài học đầu tiên
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương về chủ đề “Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhớ lại: Năm 1995, khi Việt Nam chính thức tham gia ASEAN, lúc đó đất nước bắt đầu bước ra khỏi thời kỳ cấm vận, bắt đầu đổi mới toàn diện và mạnh mẽ.
Nghi thức thượng cờ ASEAN (ngày 6/1/2020) |
Năm 1996, Việt Nam chính thức tham gia vào khối AFTA của ASEAN, bằng một loạt cam kết trong nội khối để mở cửa thị trường. Có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta “tập bơi” và “bơi” ngay trên thị trường rộng mở, với việc mở cửa, cắt giảm tới 98% tất cả các dòng thuế.
Đây là những bước đi đầu tiên của Việt Nam để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, theo hướng thực hiện đường lối đối ngoại trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ với đối tác, trong đó lấy hợp tác kinh tế làm nền tảng quan trọng.
Từ những bước đi đầu tiên, Việt Nam đã trưởng thành rất mạnh mẽ. Đây chính là nền tảng cho tất cả chiến lược về hội nhập của Việt Nam giai đoạn sau này, kể cả trong đối ngoại và kinh tế.
Có thể nói, trong suốt 24 năm Việt Nam tham gia ASEAN và khối thương mại tự do AFTA, Việt Nam đã trưởng thành rất nhiều về quan điểm hội nhập và việc thực thi các cam kết hội nhập. Đó giống như “bằng tốt nghiệp”, tạo nền tảng quan trọng để chúng ta tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Hiện, ASEAN là một trong những đối tác hàng đầu thế giới của Việt Nam, trên tất cả các khía cạnh: Kinh tế, thương mại, đầu tư…. Nếu như năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia khối thương mại tự do AFTA, thương mại hai chiều Việt Nam – ASEAN mới đạt 5,9 tỷ USD, thì đến năm 2018, con số này đã tăng tới hơn 9,5 lần, đạt tổng kim ngạch vào khoảng 56,3 tỷ USD. Mặc dù chúng ta có số nhập siêu nhất định từ thị trường ASEAN, nhưng đây cũng là điều chấp nhận được do có sự khác biệt trong trình độ phát triển. Nhưng so với thời kỳ đầu mới hội nhập thì chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc, mạnh mẽ.
Hiện, Việt Nam đã có 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong số đó có nhiều FTA thế hệ mới. Việt Nam có quan hệ với nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới, có 15/20 số nước trong G20 có FTA với Việt Nam. Điều đó chứng tỏ rằng, năng lực và vị thế, ảnh hưởng của Việt Nam đã tăng lên rất nhiều.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, hợp tác của Việt Nam với ASEAN là những bước đi đầu tiên, bài học kinh nghiệm đầy ý nghĩa mà Việt Nam có được, tạo động lực tích cực cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nhà nước pháp quyền trên nền tảng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành vào tháng 12/2015, đã chứng minh tầm nhìn chung của các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như Việt Nam, trong đó khẳng định sự đóng góp rất tích cực của Việt Nam. Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tầm nhìn ASEAN 2025 chính là những định hướng cơ bản và có ý nghĩa, vai trò then chốt, đảm bảo vị thế của ASEAN là trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương, giúp cho không chỉ Việt Nam mà cả những nước ASEAN có được sự phồn vinh, phát triển, hòa bình và ổn định.
Vị thế mới
Lần đầu tiên Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN là vào năm 2010. Trước đó, năm 1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 với việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, được bạn bè và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
So với 10 năm trước, việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã khác. ASEAN hiện đã là một cộng đồng, mà bản chất của cộng đồng rất khác với tổ chức liên Chính phủ trước đây. Thêm vào đó, bối cảnh quốc tế hiện cũng khác nhiều so với 10 năm trước. Tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, sự cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ giữa các nước lớn tác động rất nhiều chiều đối với ASEAN, đặt ra nhiều thách thức mà ASEAN phải thích ứng. Bởi vậy, năm 2020, Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN với một điều kiện khác, thế và lực cũng khác, có thuận lợi mới nhưng cũng có khó khăn mới.
Với chủ đề của Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, chứa đựng hai nội hàm, phản ánh đúng nhu cầu của Việt Nam và của các nước thành viên trong ASEAN, trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng. Hơn thế, trải qua 52 năm hình thành, bản thân ASEAN cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập trong cơ chế hợp tác, khuôn khổ hợp tác và cần phải tiếp tục điều chỉnh, thích ứng để đảm bảo ASEAN vẫn duy trì trở thành khu vực kinh tế năng động trong khu vực và trên thế giới.
Với 2 nội hàm trên, Việt Nam ưu tiên kế thừa những định hướng trong giai đoạn phát triển trước của ASEAN mà vẫn phản ánh được đầy đủ xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới, đồng thời phản ánh được nhu cầu nội khối và các đối tác. Trong bối cảnh đó, khả năng thích ứng như thế nào để phồn vinh và phát triển là vấn đề được đặt ra, cần được giải quyết.
Tất cả những điều đó đòi hỏi vai trò của Chủ tịch ASEAN phải đủ sức nắm bắt và điều hành trên cương vị của mình, cùng với các nước ASEAN khẳng định lại một lần nữa ở mức độ mới, cục diện mới, sự kết nối, liên kết để đảm bảo khả năng chống chọi với môi trường mới, tiếp tục tạo ra sức sống mới cho ASEAN cũng như cho các khung khổ hợp tác của ASEAN với đối tác.
Năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ chủ trì hơn 300 hoạt động ở các cấp khác nhau, rộng khắp ở các lĩnh vực và xuyên suốt 3 trụ cột của ASEAN. Trong đó, nổi bật là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 4/2020), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị có liên quan tại Hà Nội (tháng 11/2020). Ngay trong tháng 1 này, hàng loạt các cuộc họp hẹp sẽ diễn ra nhằm thống nhất toàn bộ chương trình và hoạt động công tác của ASEAN năm 2020.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 16-17 sáng kiến được thực hiện, trải rộng và bao trùm lên các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, thể chế, hệ thống hạ tầng… |