Chủ nhật 22/12/2024 23:11

Năm 2023: Xuất khẩu viên nén gỗ thu về gần 680 triệu USD

Năm 2023, xuất khẩu viên nén gỗ thu về gần 680 triệu USD. Thị trường Nhật Bản được nhận định tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với ngành viên nén gỗ Việt Nam

Xuất khẩu viên nén gỗ tăng tại Nhật Bản, EU nhưng giảm tại Hàn Quốc

Năm 2022, xuất khẩu viên nén gỗ tăng rất mạnh với lượng xuất xấp xỉ 4,9 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 790 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2021 do giá viên nén gỗ tăng cao. Tuy nhiên, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu viên nén lại giảm nhẹ về lượng, đạt hơn 4,6 triệu tấn (giảm 4,3% so với năm 2022) với giá trị gần 680 triệu USD (giảm 13,7% so với năm 2022).

Viên nén gỗ (ảnh Nguyễn Hạnh)

So với giai đoạn tăng giá kỷ lục năm 2022, giá xuất khẩu viên nén trung bình năm 2023 đã giảm về còn xấp xỉ 145,5 USD/tấn (giảm 9,7% so với năm 2022). Giá viên nén liên tục giảm từ mức gần 190 USD/tấn cuối năm 2022 xuống chỉ còn xấp xỉ 135-140 USD/tấn kể từ tháng 4/2023.

Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là hai thị trường nhập khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 96% tổng lượng và 96,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu sang hai thị trường này lại có diễn biến trái ngược trong năm 2023. Nhật Bản nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn, tương đương với hơn 438 triệu USD (tăng 12,4% về lượng và 14,3% về giá trị so với năm 2022). Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ nhập khẩu hơn 1,7 triệu tấn viên nén, trị giá gần 214 triệu USD (giảm 24,5% về lượng và 43,3% về giá trị so với năm 2022).

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Hàn Quốc có thêm các nguồn cung khác, ví dụ như nguồn cung viên nén giá rẻ từ Nga.

Thị trường EU, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong số các thị trường nhập khẩu viên nén của Việt Nam (3,3% tổng lượng và 3,8% tổng kim nghạch), nhưng lại trên đà tăng mạnh. Năm 2023, EU nhập khẩu hơn 155 nghìn tấn, đạt xấp xỉ 26 triệu USD (tăng gần 3 lần về lượng và 3,7 lần về giá trị so với năm 2022).

Giá xuất khẩu viên nén năm 2023 sang hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc giảm đáng kể so với giai đoạn cuối năm 2022. Tuy nhiên, biên độ sụt giảm của thị trường Hàn Quốc lớn hơn nhiều so với Nhật Bản.

Cụ thể, tại thời điểm tháng 12/2023, giá xuất khẩu viên nén sang Hàn Quốc chỉ còn dưới 105 USD/tấn, giảm 43% so với mức đỉnh 185 USD/tấn của tháng 12/2022. Trái lại, mức giá xuất khẩu sang Nhật tháng 12/2023 vẫn đạt trên 148 USD/tấn, chỉ giảm 20% so với mức giá trần ghi nhận tại tháng 12/2022.

Doanh nghiệp cần thúc đẩy tiêu thụ tại các thị trường mới và nội địa

Ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends – nhận định, thị trường Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với ngành viên nén Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện tại, sự tái cấu trúc của Enviva – Công ty sản xuất và thương mại viên nén lớn nhất thế giới, mỗi năm cung cấp hơn 400 ngàn tấn viên nén cho thị trường Nhật Bản, trong đó có tỷ trọng đáng kể viên nén sản xuất tại Việt Nam, đặt ra cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội thay thế nguồn cung viên nén từ Indonesia cho thị trường Nhật Bản bởi nguồn cung viên nén làm từ vỏ dầu cọ có nguồn gốc từ Indonesia có thể sẽ không đạt được chứng chỉ bền vững theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, do một số sự cố kỹ thuật gây ra cháy nổ tại các nhà máy nhiệt điện sử dụng viên nén tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang yêu cầu các nhà máy này dừng hoạt động để điều tra nguyên nhân sự cố. Mặt khác, giá viên nén đang ở mức cao khiến các nhà máy nhiệt điện chịu lỗ nếu không có trợ cấp từ Chính phủ Nhật Bản. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản dự kiến sẽ không tăng trong ngắn hạn.

Thị trường Hàn Quốc dự kiến không có nhiều biến động trong thời gian tới do các nhà nhập khẩu của nước này ưu tiên nguồn viên nén giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh luồng cung viên nén từ Nga tiếp tục bị hạn chế nhập khẩu vào EU do xung đột Nga – Ukraina.

Thị trường EU có tiềm năng. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường này khắt khe hơn Nhật Bản và Hàn Quốc, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều chi phí để cải thiện thiết bị và công nghệ trong tương lai.

Một trong những khó khăn lớn nhất của xuất khẩu viên nén gỗ là tính chưa bền vững về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào kể cả về lượng và về tiêu chuẩn, chất lượng. Muốn giải quyết các khó khăn này đòi hỏi Chính phủ cần có các cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt là chính sách về cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng.

Để giảm phụ thuộc vào hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Tô Xuân Phúc cũng khuyến nghị, doanh nghiệp viên nén cần tìm hiểu, thúc đẩy tiêu thụ tại các thị trường mới như EU và nội địa.

Hiện tại, nhu cầu viên nén (và dăm gỗ) cho tiêu thụ nội địa có khả năng gia tăng trong tương lai do cam kết giảm phát thải của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp tự giác chuyển đổi từ nguồn nguyên liệu phát thải cao sang viên nén, đặc biệt nếu Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích việc chuyển đổi.

Cạnh tranh giữa viên nén xuất khẩu và tiêu thụ nội địa (và nguồn nguyên liệu) có thể diễn ra trong tương lai không xa. Sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng giữa các doanh nghiệp trong ngành viên nén cũng như với các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ là không thể tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh một loạt các dự án nhà máy viên nén, dăm gỗ đang được xây dựng trong vòng 3 - 5 năm tới. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu trong tương lai.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: viên nén gỗ (viên nén năng lượng)

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Tổng cục Hải quan tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công

Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024