Mùa Y Gánh- Người đưa thổ cẩm Pà Cò xuống núi
Tôi được biết chị Mùa Y Gánh qua các hội chợ hàng thủ công truyền thống do Công ty CP Doanh nghiệp xã hội (Craft Link) tổ chức. Dáng người nhỏ bé, tiếng phổ thông trôi chảy, chị Gánh tự tin giới thiệu về sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người H’mong xanh tại xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình).
Chị gây ấn tượng với người nghe bằng nụ cười tự tin, luôn rạng rỡ trên khuôn mặt đã hằn vết thời gian. Sau khi nghe chị kể, tôi không khỏi thán phục sự kiên trì, dẻo dai của người phụ nữ ấy khi đã hơn 20 năm bền bỉ đưa sản phẩm thổ cẩm của bà con nơi đây từ chỗ chỉ tự cung tự cấp trở thành hàng hoá đem lại thu nhập ổn định. Quan trọng hơn, chị đã làm thay đổi nhận thức và nội lực của người phụ nữ H’mong xanh, giúp các chị nói được tiếng phổ thông, tự tin giao tiếp, có thu nhập và có quyền tự quyết trong gia đình.
Chị Mùa Y Gánh tự tin giới thiệu về sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người H’mong xanh |
Đáp lại sự thán phục của tôi, chị nhẹ nhàng nói: Thổ cẩm là nghề truyền thống của bà con dân tộc thiểu số H’mong xanh ở Pà Cò, những kỹ năng trong nghề được truyền từ đời này qua đời khác. Điểm độc đáo nhất, làm nên bản sắc thổ cẩm Pà Cò chính là nghệ thuật vẽ sáp ong. Người phụ nữ H’mong xanh dùng “đá tràng tà” (bút làm từ cán gỗ có gắn lá đồng nhỏ) chấm vào sáp ong và vẽ hoa văn mô phỏng hình mặt trời, mâm cơm gia đình… lên tấm vải.
Đang say xưa giải thích cho tôi về kỹ năng vẽ sáp ong, chị Gánh chợt hào hứng: “Lớp trẻ Pà Cò bây giờ giỏi lắm, học mẫu và làm sản phẩm mới nhanh lắm, không chậm như các chị ngày xưa”. Và rồi câu chuyện của chị lại trôi về ký ức của những ngày gian khó.
Rằng, năm 1996, Chính phủ kiên quyết dẹp điểm nóng thuốc phiện nhằm đem lại bình yên cho người dân Pà Cò. Thời điểm đó, như lời chị Gánh, cuộc sống của người dân nơi đây chơi vơi, không có thu nhập, đủ ăn, đủ mặc trở thành xa xỉ.
Cũng thời điểm đó, để tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống cho người phụ nữ dân tộc H’mong xanh, Tổ chức phi Chính phủ Oxfam Quebech đã thực hiện Dự án “Phát triển kinh tế phụ nữ” ở Pà Cò. Khi đó, với vị trí Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã, đằng đẵng 3 năm trời chị Gánh đồng hành cùng cán bộ dự án, ban ngày lên nương rẫy, ban đêm địu con nhỏ đi từng nhà vận động các bà, các chị tham gia tổ sản xuất. Sau bao công sức kiên trì vận động, Nhóm sản xuất thổ cẩm Pà Cò gồm 50 người đã dần hình thành.
Theo lời chị Gánh, vận động được chị em tham gia đã khó, giữ chân các chị ở lại nhóm sản xuất còn khó hơn gấp nhiều lần. Bởi làm thổ cẩm thì ai cũng biết nhưng để làm những hoạ tiết mới, sản phẩm mới khác với những chiếc váy, tấm khăn quen thuộc của các chị là rất khó.
Trở thành sản phẩm hàng hoá thổ cẩm mang lại sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số tại Pà Cò |
Thu nhập ban đầu từ làm thổ cẩm cũng chậm và thấp, không ít chị em trong nhóm đã không đủ kiên trì và rời khỏi nhóm sản xuất. “Cứ ai bỏ nhóm, chị với cán bộ dự án lại đến thuyết phục, thậm chí mời cả ông chủ tịch xã đến vận động đưa trở lại” - chị Gánh cười kể lại. Cuối cùng, chị phải đứng ra cam kết, thu gom sản phẩm của bà con làm ra, lặn lội mang đi tiêu thụ, nhóm sản xuất mới dần đứng vững.
Không buông xuôi trước hoàn cảnh khó khăn, đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ H’mong xanh này đã gánh vác cả một nhóm sản xuất đi qua bao thăng trầm, vất vả. Nhóm sản xuất của chị giờ đã có tiếng trên hệ thống tiêu thụ của Craftlink cũng như các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… Thu nhập của các chị em trong nhóm cũng rất đáng nể khi lên tới 5-7 triệu đồng mỗi tháng.
Thấy tôi khá bất ngờ về thu nhập của các chị em trong nhóm sản xuất, chị Gánh vui vẻ nói: Chị em Pà Cò giờ không phải tự mang hàng đi các tỉnh bán nữa. Ngoài đơn đặt hàng của Craftlink, có rất nhiều cửa hàng lưu niệm, thậm chí là khách đặt hàng xuất khẩu cũng lên tận nơi xem hàng, đặt mẫu nên các chị em có nhiều lựa chọn cũng như cho thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên, trong nhóm sản xuất hiện nay vẫn sử dụng máy khâu đạp chân thủ công, các chị em phải thay phiên nhau sử dụng. Trường hợp máy hỏng, phải khâu bằng tay, tốc độ rất chậm, thậm chí nhóm đã từng phải hoãn thời gian giao hàng. “Tôi mong sao các tổ chức hỗ trợ cho nhóm sản xuất thêm một số máy khâu, giúp các chị em làm hàng nhanh hơn, đỡ vất vả hơn và cho thu nhập cao hơn” - chị Gánh tâm tư.
Ước mong của chị Gánh thật giản dị, tôi mong điều đó sớm trở thành sự thật. Nhìn các mẹ, các chị trong nhóm sản xuất quây quần, người thoăn thoắt vẽ sáp ong, người thêu các đường nét tinh xảo, miệng nói cười rôm rả, tôi chợt nhớ tới lời của bà Trần Thị Tuyết Lan - Tổng giám đốc Craftlink: Sau hơn 20 năm đồng hành, điều ấn tượng và mong mỏi nhất với tôi chính là bình đẳng giới và sự thay đổi trong chính nội lực của người phụ nữ nơi đây. Thay vì sống lẫm lũi, qua giao tiếp với xã hội bên ngoài, nhóm phụ nữ H’mong xanh đã tự tin thể hiện mong muốn của mình. Tạo ra thu nhập cũng giúp các chị có vai trò và tiếng nói hơn trong gia đình, xã hội.