Mong đợi các chính sách củng cố nội lực doanh nghiệp
Ông MẠC QUỐC ANH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ tìm kiếm được các giải pháp củng cố nội lực của doanh nghiệp; bởi lẽ, doanh nghiệp khỏe thì quốc gia sẽ mạnh.
Cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ
- Ngày mai, 19.9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Với cộng đồng doanh nghiệp, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông MẠC QUỐC ANH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp |
- Tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp rất mong đợi sự kiện này. Như chúng ta đều biết, 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Đây cũng là năm thứ hai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn với hầu hết các động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; việc làm, thu nhập của người lao động bị cắt giảm, bảo hiểm xã hội chịu nhiều áp lực…
Vì vậy, Diễn đàn lần này là bước chuẩn bị quan trọng để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, ứng phó với biến động của thị trường, phát triển thị trường nội địa thật tốt và đặc biệt là các chính sách giúp củng cố nội lực của doanh nghiệp. Được các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, chia sẻ thì sức đề kháng của doanh nghiệp sẽ tốt hơn và nội lực quốc gia cũng sẽ vững mạnh hơn.
- Việc tổ chức Diễn đàn cũng nhằm rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua; trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023? Từ góc độ của mình, ông đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết này như thế nào?
- Các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ban hành hết sức kịp thời; Chính phủ và các bộ, ngành cũng triển khai điều hành bằng các chính sách kinh tế vĩ mô như giảm thuế, giảm phí, điều chỉnh lãi suất ngân hàng… - đây là những động thái vô cùng quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 68/2022/QH15. Nhờ đó, kinh tế nước ta có những bước phục hồi và tăng trưởng dương trong khi đó các nước khác trên thế giới tăng trưởng âm; vượt qua được lạm phát, kiềm chế được giá cả hàng hóa. Đối với chuỗi cung ứng của chúng ta tuy bị đứt gãy nhưng cũng đã có nhiều giải pháp để thích ứng. Sau dịch Covid-19 đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất thương mại dịch vụ, chuyển giao khoa học công nghệ, tài chính… cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể thấy, các Nghị quyết này đã đi được vào đời sống nhưng đã phát huy tối đa hiệu quả hay chưa, còn vướng mắc nào cần tháo gỡ thì cần có khâu giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Việc thảo luận về nội dung này tại Diễn đàn cũng là hình thức giám sát để các quyết sách của Quốc hội được thực thi tốt hơn nữa.
Quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công
- Theo ông, các rào cản, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là gì?
-Thời gian qua, việc thực thi chính sách đã có hiệu quả nhưng chưa được như kỳ vọng, nhất là những mục tiêu Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 68/2022/QH15 đã đề ra.
Theo tôi, rào cản đầu tiên là khâu thực thi còn yếu bởi sự thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm, không nhiệt huyết với công việc của một số bộ phận công chức, viên chức. Về mặt vĩ mô đã làm rất tốt, từ điều hành của Quốc hội, Chính phủ nhưng khâu thực thi tại cơ sở còn gặp rất nhiều khó khăn. Các chính sách ban hành sớm, kịp thời nhưng quan trọng nhất là khâu thực hiện bên dưới chưa được như kỳ vọng.
Cùng với đó là rào cản do thị trường, sức mua, sức cầu yếu dẫn đến hàng tồn kho nhiều, sản xuất bị đình trệ. Về tài chính, đầu tư nước ngoài mới tuy nhiều nhưng thực tế chỉ một số dự án đi vào thực hiện còn lại chủ yếu là các cam kết. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng còn rất hạn chế.
- Vậy cần thực thi các giải pháp gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, thưa ông?
- Theo tôi, trước hết là phải kiên quyết và nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư công, cố gắng giải ngân cao nhất có thể. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Đối với thị trường nội địa, quan trọng nhất là làm tăng tổng cầu thông qua việc giảm giá, giảm thuế, giảm phí kèm các chương trình khuyến mại, ưu đãi để tăng sức mua. Theo đó, nên dành các khoản ưu đãi cho các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo. Đối với những người thu nhập giảm mà có hoàn cảnh khó khăn cần giảm các khoản phải đóng tiền điện, tiền nước… Về tài chính, cần cho tăng cho vay tín chấp và giảm bớt các điều kiện cho vay với cộng đồng doanh nghiệp.
- Cá nhân ông kỳ vọng gì ở Diễn đàn lần này?
- Tôi kỳ vọng Diễn đàn sẽ đưa ra thông điệp và sau đó sẽ lan tỏa đến các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền để có tư duy đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt. Đặc biệt, từ ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, người dân, Diễn đàn sẽ tìm được các giải pháp giúp tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.
- Xin cảm ơn ông!