Mỗi người dân phải là một người giữ rừng
Hiểu được giá trị của rừng, người dân sẽ có ý thức giữ rừng tốt hơn |
Khi người dân hiểu được giá trị của rừng
Trước năm 2014, đồng bào Dao ở Vằng Kheo (xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cứ thích là vào rừng chặt cây, thậm chí cả người dân ở các thôn khác cũng đến Vằng Kheo để chặt cây. Những cánh rừng của Vằng Kheo khi ấy nham nhở, nghèo kiệt… Cùng với nhiều thôn, bản khác, Vằng Kheo góp phần đưa Bắc Kạn vào danh sách một trong các tỉnh có số vụ vi phạm lâm luật cao nhất.
Vậy nhưng, sau 3 năm Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (Chương trình UN-REDD) được triển khai ở Vằng Kheo, màu xanh của rừng trồng, rừng khoanh nuôi, rừng tự nhiên đã được phủ kín Vằng Kheo. Nay thì, người ở các thôn khác không ai dám vào rừng của Vằng Kheo để chặt cây; bản thân người dân ở Vằng Kheo, mỗi khi có nhu cầu dựng nhà cũng đều phải xin phép thôn… Giữ rừng, phát triển được rừng, người Dao ở Vằng Kheo đã bắt đầu sống được nhờ rừng; màu xanh của rừng đang mang lại sức sống bền vững cho Vằng Kheo.
Giống như người Dao ở Vằng Kheo, từ khi được tuyên truyền, nhắc nhở, đồng bào Dao ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng đã bắt đầu có ý thức giữ rừng. Nhờ đó, đã kịp thời giữ lại những cánh rừng đang bắt đầu bị tàn phá. Từ việc được giao đất, giao rừng, nhiều chủ rừng đã hiểu những giá trị lớn lao mà rừng mang lại, chứ không đơn giản chỉ là vài ba cây gỗ để làm nhà, đóng đồ… “Cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã đã tuyên truyền, nếu phá rừng sẽ không giữ được nguồn nước, mưa lớn sẽ gây ra lũ quét, phá nương lúa, nương ngô, đe dọa cuộc sống con người. Mình vận động người thân trong gia đình và làng xóm không phá rừng. Có rừng, đời sống mới ấm no, mới phát triển được. Bây giờ bảo vệ rừng để cho con cháu sau này” - chị Lý Thị Thu, một chủ bảo vệ rừng thôn Lũng Cọ 1, xã Tân Phượng chia sẻ.
Để rừng mãi xanh
Sau những báo động về tình trạng chặt phá rừng tự nhiên ở Quảng Nam, đến nay, địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước này đã phải tính đến những giải pháp triệt để hơn để giữ rừng. Câu chuyện ở huyện Nam Giang là một ví dụ. Từ sự việc chặt phá rừng ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung, mới đây, tỉnh Quảng Nam đang có chủ trương thí điểm sáp nhập 2 đơn vị quản lý rừng hiện nay của huyện Nam Giang (Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Bung) làm một. Hiện, UBND huyện Nam Giang đang xây dựng phương án, lấy ý kiến sở Nông nghiệp, Sở Nội vụ, Chi cục kiểm lâm… với mong muốn tìm ra cách thức quản lý rừng mới hơn, khác hơn, đem lại hiệu quả cao hơn.
Chia sẻ về suy nghĩ đối với việc giữ rừng sao cho hiệu quả, ông A Lăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng: “Không có ai hiểu từng ngọn núi, gốc cây, khe suối, con sông bằng chính người dân sống ở đó. Lực lượng kiểm lâm, ban quản lý, chủ rừng dù mạnh đến đâu cũng không thể đi được hết rừng. Giữ rừng hay làm gì cũng vậy, phải lấy dân làm gốc. Làm sao để mỗi người dân phải là 1 người giữ rừng. Muốn thế phải có cơ chế, chính sách đảm bảo quyền lợi của người dân, sao cho người dân nhận thức được rằng: Rừng chính là cuộc sống của họ. Nếu giữ rừng tốt họ sẽ được gì? Không giữ được rừng, cuộc sống của họ, đời con, đời cháu họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ra sao?”.
Thực tế, người dân vùng cao, biên giới sống gần với rừng vẫn thường có thói quen sử dụng gỗ rừng để làm nhà, đồ dùng gia đình. Số lượng gỗ phục vụ nhu cầu này không lớn, hoàn toàn có thể đáp ứng nếu dựa trên những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng khai thác gỗ làm nhà để tổ chức khai thác buôn bán lâm sản trái phép với số lượng lớn. Chính vì vậy, bên cạnh việc sửa đổi để có những quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện với người dân trong việc xin phép khai thác gỗ làm nhà; rất cần sự vào cuộc, sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền, kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng khai thác gỗ làm nhà để khai thác buôn bán lâm sản trái phép. Có như vậy, người dân mới tận tâm giữ lại màu xanh cho rừng, sống hài hòa với phát triển, bảo vệ rừng.