Chủ nhật 22/12/2024 22:32

Mới có khoảng gần 13% hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị

Hiện cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số HTX.

Trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị

Đây là con số được đưa ra tại Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” do Tạp chí Kinh Doanh (VnBusiness) tổ chức sáng 28/8, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam – cho biết, hiện cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.

Theo bà Cao Vân Thu Vân, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Và một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thật sự vững chắc.

Không những vậy, số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Chưa có nhiều HTX có năng lực tổ chức liên kết, phát huy vai trò cầu nối thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp, để chuỗi giá trị nông sản Việt phát triển bền vững và hiệu quả đòi hỏi phải khắc phục mặt những hạn chế cố hữu này. Nhất là cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, cần củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi.

Tại Diễn đàn, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ nhận xét, cùng với năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng… thì các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối diện với 5 thách thức lớn: Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm; chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng; người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.

Đồng thời, trong bối cảnh giá năng lượng dự báo tăng cao, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm, từ đó đặt ra thách thức đối với việc bảo đảm an ninh lương thực và suy giảm giá trị thặng dư. Những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam cần phải có những chính sách đồng bộ và hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu toàn cầu.

Tăng cường liên kết

Theo đó, bên cạnh các giải pháp về tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng các thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống thông tin về thị trường, để đẩy mạnh hoạt động liên kết, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với vai trò là người điều hành chuỗi cần chủ động tiếp cận và ký kết các bản ghi nhớ về liên kết; sau đó tiến tới ký kết hợp đồng chính thức với các hộ sản xuất trong vùng nguyên liệu đã quy hoạch, theo hướng hợp đồng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo lập niềm tin cho các hộ nông dân nuôi trồng.

Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các thành viên khác trong chuỗi. Sự chia sẻ và kết nối hiệu quả sẽ góp phần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho tất cả các thành viên trong chuỗi, giúp cân đối tốt hơn công tác thu mua, dự trữ và vận chuyển; hướng tới giảm thiểu những dao động về cung cầu trên thị trường; từng bước đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Đối với các bộ ngành cũng cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp để tăng cường và mở rộng đầu tư, liên kết, chuyển giao công nghệ theo hướng hình thành các cơ sở chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại, qua đó tăng được công suất chế biến, tăng tỷ lệ chế biến sâu, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường thế giới.

Về phía cơ quan chức năng, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho rằng, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau. Đồng thời, việc xây dựng các chuỗi liên kết theo mô hình "từ nông trại đến bàn ăn" sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị gia tăng. Cùng với đó, hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX kiểu mới…

“Để ngành nông nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản; góp phần xây dựng, nâng tầm nông sản Việt trên thị trường thế giới, đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành nông nghiệp mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, HTX đến người nông dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu hàng hóa

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản

Lai Châu: Tìm thị trường bền vững cho các sản phẩm chè

Chung tay xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi

Đưa nông sản chủ lực của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử

Bắc Kạn: Đẩy mạnh phát triển thương mại, tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng

Petrolimex Hà Giang: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu và lan toả nghĩa tình đồng bào

Longform | Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cà phê Sơn La

Quý IV, sẽ có khoảng 400 tấn nông sản được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử buudien.vn

Ca cao tăng giá, người trồng phấn khởi

Khẳng định giá trị thương hiệu ‘Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành’

Longform | 'Xanh hoá' sản phẩm, khẳng định thương hiệu nông sản trên thị trường

Hoà Bình: Gia tăng tiêu thụ cam Cao Phong trên sàn thương mại điện tử

Longform | Sàn thương mại điện tử Việt tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi

Sạt lở ở Hà Giang, hàng hóa thiết yếu vận chuyển ra sao?

Bắc Kạn tập trung phát triển và quản lý chợ

Quảng Ninh: Tăng cường quảng bá, nâng cao giá trị chè Hải Hà

Nông sản Bắc Kạn tham dự hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành

Quảng Ngãi: Nâng tầm giá trị nông sản miền núi

Bưu điện tỉnh Điện Biên hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản Lai Châu trên sàn thương mại điện tử