Mây, tre, cói và thảm xuất khẩu tăng mạnh
Đầu năm nay, nhóm hàng này còn tăng trưởng mạnh hơn nhiều và đang dẫn đầu về tăng trưởng trong những nhóm hàng nông nghiệp, nông thôn chủ lực.
Làm nón lá bàng buông xuất khẩu ở xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 3 vừa qua, ước tính xuất khẩu nhóm hàng mây, tre, cói và thảm đạt 45 triệu USD, tăng gần 1,7 lần so với tháng 3/2018. Như vậy, sau khi sụt giảm trong tháng 2 vì ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết dài ngày, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Ước tính, trong quý 1 năm nay, xuất khẩu nhóm hàng mây, tre, cói và thảm đạt giá trị 113 triệu USD, tăng tới 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tốt của quý 1/2018 (tăng 18,8% so cùng kỳ 2017) và cả năm 2018 là 27,9%. Đây là mức tăng trưởng rất cao, có thể nói là cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực (trong 2 tháng đầu năm nay, nhóm hàng mây, tre, cói và thảm tăng trưởng 31,4% về giá trị xuất khẩu; đứng thứ hai về tăng trưởng là chè với 17,5%).
Đa số các thị trường quan trọng của nhóm hàng mây, tre, cói và thảm đều tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm. Cụ thể, thị trường lớn nhất là Mỹ tăng tới 58,19% trong 2 tháng đầu năm và đạt trên 18 triệu USD; thị trường thứ 2 là Nhật Bản đạt trên 9 triệu USD, tăng 13,67%; thị trường Anh đạt trên 4 triệu USD, tăng 138,47%…
Sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu nhóm hàng mây, tre, cói và thảm trong quý 1 năm nay cũng như trong cả năm 2018 vừa qua, là nhờ thị trường thế giới đang rất rộng mở đối với nhóm hàng này.
Ở Châu Âu, ngày càng có nhiều người già về hưu có nhiều thời gian hơn để chăm sóc trang hoàng nhà cửa nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ để trang trí ngày càng tăng. Nhu cầu mua sắm các mặt hàng quà tặng, kỉ niệm, trong đó co các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhân các dịp lễ lạc, cưới hỏi... cũng tăng cao trên toàn cầu. Các dịp lễ tết, Giáng sinh, năm mới cũng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chẳng hạn, ở các nước Bắc Âu, vào mùa xuân, người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngòai trời để phục vụ việc trang trí sân vườn…
Trong khi đó, sản phẩm mây tre đan của Việt Nam còn chiếm thị phần khá khiêm tốn. Theo thống kê của Trademap (hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của các nước), Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 3,37% thị phần thế giới. Do đó, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng mây, tre, cói và thảm của Việt Nam còn rất lớn. Ngoài các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản…, ngày càng có thêm nhiều thị trường mới nổi, đầy tiềm năng cho các sản phẩm mây, tre, cói và thảm của Việt Nam như Anh (tăng 138,47% trong 2 tháng đầu năm nay), Tây Ban Nha (tăng 160,52%), Pháp (tăng 37,47%), Ấn Độ (tăng 682,3%), Nga (tăng 343,74%), Úc (tăng 24,66%…
Với tình hình thị trường đang tiếp tục thuận lợi, nếu tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ở mức cao từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nhóm hàng mây, tre, cói và thảm hoàn toàn có thể vượt mốc 400 triệu USD và tiến gần tới mốc 500 triệu USD. Qua đó, góp phần không nhỏ vào mục tiêu 11 tỷ USD xuất khẩu của toàn ngành lâm nghiệp.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 95% tổng giá trị sản phẩm của ngành mây tre vẫn đang tập trung vào nhóm hàng truyền thống, chỉ có khoảng 5% thuộc nhóm sản phẩm tre chế biến công nghiệp.
Trong tương lai, từ nay đến năm 2020 và 2030, cơ cấu sản phẩm của ngành chế biến tre nên là 30% cho các sản phẩm truyền thống và 70% sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm mới như tre ép khối thay thế gỗ trong sản xuất đồ nội thất. Nếu có chiến lược và cơ cấu sản phẩm hợp lý, chúng ta có khả năng chiếm được 8-10% thị trường thế giới, và ngành chế biến mây tre Việt Nam sẽ có thể đạt mốc xuất khẩu 1 tỷ USD.