Mạnh tay xử lý các đối tượng tung tin giả, sai sự thật
Xử phạt kịch trần là vẫn nhẹ?
Thời đại công nghệ số bùng nổ, mạng xã hội trở thành “sân chơi” khổng lồ, nơi thông tin được truyền tải với tốc độ chóng mặt. Song, đi kèm với đó là sự xuất hiện tràn lan của tin giả mạo, sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Không chỉ nhằm câu view, câu like, nhiều trường hợp còn lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác tràn lan trên mạng xã hội.
Cách đây ít ngày, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện trường hợp N.T.N, sinh năm 1986 trú tại thành phố Thái Nguyên đăng tải bài viết trên Facebook với lời lẽ khiếm nhã, kèm theo hình ảnh một người phụ nữ và danh sách 16 nam giới bị nhiễm HIV từ người phụ nữ trên. Các nội dung trên chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật.
Phòng An ninh Chính trị nội bộ đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng đối với N.T.N về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Một ví dụ khác, ngày 4/7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh An Giang phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh mời 02 YouTuber đăng video tảng đá giống hiện thân ông Thích Minh Tuệ lên làm việc và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng.
Còn nhớ những năm 2021, 2022 khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành có rất nhiều người đã lợi dụng về tin tức của dịch bệnh tung tin giả ở khắp các mạng xã hội để câu view, câu like, kiếm tương tác và cũng đã có nhiều cá nhân bị xử phạt từ 7,5 - 12,5 triệu đồng.
Công an tỉnh Thái Nguyên xử phạt người đưa thông tin sai lệch về vụ cô gái bị đồn lây nhiễm HIV cho nhiều người. (Ảnh: Nguyễn Hoàn). |
Nhiều ý kiến cho rằng, trong môi trường đầu tư giai đoạn hiện nay thì những tin đồn ác ý rất tai hại, có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Thông tin giả về người khác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, không thể lường trước được.
Vậy với mức xử phạt vi phạm hành chínhnhư hiện nay đối với những vi phạm này trên mạng xã hội có thể là nhẹ, chưa đủ sức dăn đe so với mức độ ảnh hưởng của nó gây ra, nguy hiểm hơn có thể gây ra xu hướng “nhờn” luật, tình trạng vi phạm sẽ vẫn tái diễn.
Nghiêm trị hành vi tung tin giả, sai sự thật
Luật sư Võ Đình Đức - PGĐ Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á SEALAW cho rằng, các hoạt động của bất kỳ cá nhân, tổ chức trên không gian mạng đều phải tuân thủ quy định của hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Hiện nay, nhiều văn bản pháp luật đã được xây dựng và điều chỉnh các hành vi này như, Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân dự, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, và đặc biệt là Bộ luật Hình sự.
Trong Luật An ninh mạng quy định rất rõ các hành vi bị cấm trên không gian mạng như: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác,...
Với các hành vi trên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong trường hợp, đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì pháp luật cũng quy định rất rõ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về một số tội quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung năm 2017.
Cụ thể, các tội: Tội vu khống (Điều 156); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362).
Theo Luật sư Võ Đình Đức, để giải quyết thực trạng tin giả, tin sai sự thật, đặc biệt trên không gian mạng cần phải đồng bộ, cần sự chung tay của toàn xã hội.
Trong đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, nâng cao nhận thức về tác hại của hành vi tung tin giả mạo để người dân biết không vi phạm cũng như khuyến khích người dân tích cực phản ánh, đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm.
Thêm nữa là, cần có hoạt động giám sát công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên không gian mạng, đảm bảo xử lý nghiêm minh, kịp thời, không để tình trạng “bỏ qua” hay “chậm trễ” trong xử lý, thậm chí bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, cũng cần xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung tin giả, tin sai sự thật,... trên mạng xã hội cho tương xứng với mức độ hậu quả gây ra. Một số trường hợp cần xem xét điều tra, xử lý hình sự nghiêm minh. Bởi trên thực tế, mức độ ảnh hưởng đến vật chất, tinh thần trong nhiều trường hợp cũng không phải nhỏ.