Chủ nhật 24/11/2024 17:12

Mã số vùng trồng: Tấm“hộ chiếu” cho nông sản xuất khẩu

Ngoài hiệu quả truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, việc triển khai quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn là giải pháp giúp ổn định và nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu; thúc đẩy liên kết sản xuất và chuỗi giá trị. Tuy nhiên, đến thời điểm này cấp mã số vùng trồng cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng vẫn rất khiêm tốn.

Mã số vùng trồng cho trái cây mới chiếm 17% tổng diện tích trồng

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) - cho biết, tính đến hết tháng 4/2021, Cục BVTV đã cấp 3.414 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trong toàn quốc. Đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây với diện tích vùng trồng đã được cấp mã số là 196.226,13 ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước.

Năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật

Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng đã cấp 11 mã vùng trồng cho hạt giống ớt và cà chua; 193 mã số rau gia vị sản xuất trong nhà lưới xuất khẩu sang EU; và 389 mã số ngọn cây cảnh, cây hoa xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc. Các sản phẩm này chủ yếu được trồng trong nhà lưới với điều kiện nghiêm ngặt để đảm bảo hạn chế sự xâm nhập và gây hại của sinh vật gây hại, qua đó giảm thiểu số lần sử dụng thuốc BVTV hoặc thậm chí không sử dụng. Tổng diện tích nhà lưới của các mã số vùng trồng này đạt hơn 61 ha.

Đối với cây lúa, cho đến nay vẫn chưa chính thức cấp mã số vùng trồng lúa để xuất khẩu. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu (khoảng 210 ngàn ha) đã được kiểm soát để phục vụ xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và EU (gạo thơm).

Hiện tại Trung Quốc đang là thị trường được cấp nhiều mã số vùng trồng nhất (1.703 mã) cho 9 loại trái cây và thạch đen. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với 575 mã vùng trồng cho 6 loại trái cây sang thị trường này. Đây cũng là thị trường có yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt nhất. Tất cả các vùng trồng đều được cán bộ kiểm dịch thực vật của Hoa Kỳ trực tiếp kiểm tra hàng năm và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã riêng (mã IRAD).

Tương tự như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu. Đến nay, Cục BVTV đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó, số lượng mã số cơ sở đóng gói cấp cho sản phẩm xuất đi thị trường Trung Quốc chiếm tới 97% (1.776 mã số) cho 9 loại quả tươi xuất khẩu (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, mít, dưa hấu và măng cụt). Phần lớn các cơ sở đóng gói nông sản xuất đi Trung Quốc mới chỉ dừng ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, đóng gói theo mùa vụ.

Số lượng các loại mã số cơ sở đóng gói đi các thị trường khác là hơn 50 mã số cho 6 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm và vú sữa). Các cơ sở đóng gói này đều được nước nhập khẩu kiểm tra theo định kỳ 1 năm/lần (đối với thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc 3 năm/lần (đối với thị trường Úc, New Zealand). Hầu hết các cơ sở đóng gói này đều nằm trong các khu xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ; có cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều.

Theo đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, việc xây dựng các vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là nhu cầu và xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Bên cạnh mã số vùng trồng, các nước nhập khẩu còn yêu cầu phải có cơ sở đóng gói.

Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục BVTV: Hiện tại, việc thiết lập và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được thực hiện đối với các sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Để tăng cường quản lý vùng trồng, Quốc hội khóa 14 cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt (Điều 64). Theo đó, Bộ NN&PTNT được giao hướng dẫn cho công tác cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, Cục BVTV đã ban hành Tiêu chuẩn cơ sở quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra

Năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật. Ông Hoàng Trung nhận định, đây là một “tín hiệu” cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân.

Một trường hợp khác là trái ớt của Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia. Năm 2018, phía bạn phát hiện 67 lô hàng ớt của Việt Nam có dư lượng của một số hoạt chất thuốc BVTV vượt mức cho phép của Malaysia và ngay lập tức có lệnh ngừng nhập khẩu. Sau nhiều lần làm việc, đến tháng 4/2021, phía Malaysia mới dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu, tuy nhiên, kèm theo đó, Malaysia lại đưa ra một loạt quy định rất chặt chẽ và chỉ chấp nhận ớt xuất khẩu từ vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được đăng ký tại Cục BVTV Việt Nam và phải được kiểm định dư lượng thuốc BVTV trước khi xuất khẩu.

Theo ông Hoàng Trung, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Nguyên nhân chính của tồn tại này là do tình trạng doanh nghiệp đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng mà chưa ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp. Việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới chỉ triển khai chủ yếu đối với các mặt hàng xuất khẩu, theo yêu cầu cụ thể của nước nhập khẩu. Chưa chú trọng đến việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các sản phẩm trồng trọt phục vụ tiêu thụ nội địa.

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng, ông Hoàng Trung cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra. Về phía Cục BVTV sẽ hướng dẫn, đôn đốc hệ thống cơ quan chuyên môn về BVTV tại địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với nước nhập khẩu để thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra theo quy định của nước nhập khẩu, tránh tối đa việc ảnh hưởng đến thương mại song phương hoặc thu hồi, đình chỉ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Đẩy mạnh phân cấp và tăng cường năng lực cho địa phương về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa quản lý, giám sát và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng tại các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long được cấp mã số tăng 3-5 lần so với hiện nay, mở rộng đối tượng cây trồng cấp mã số sang cây lúa, rau màu, khoai lang… cả cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó chuẩn hóa lại các cơ sở đóng gói để đáp ứng các yêu cầu trong Văn bản chỉ đạo số 2425/BNN-BVTV ngày 28/4/2021 của Bộ NN&PTNT.

Cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng; các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc BVTV, phân bón đã sử dụng.

Mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số đó sẽ bị thu hồi.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng