Lượng giao dịch tăng nhẹ cùng “điểm sáng” phía Đông Hà Nội
Khi nào lượng giao dịch bất động sản “bật tăng”?
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản quý II/2023 có những diễn tiến tích cực hơn quý I/2023, nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm "đảo chiều". Nguồn cung ra thị trường trong quý đạt khoảng 20.000 sản phẩm.
Lượng giao dịch trong quý II/2023 ghi nhận phục hồi nhẹ, đạt khoảng 3.704 giao dịch (xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý trước nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, các sản phẩm được giao dịch đều là các sản phẩm có chất lượng xây dựng cao, pháp lý minh bạch với giá thành phù hợp. Trong đó, 80% lượng giao dịch là căn hộ chung cư có pháp lý sạch, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, phát sinh từ cả các khách hàng mua phục vụ nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.
TS Nguyễn Văn Đính Lượng cho biết giao dịch trong quý II/2023 ghi nhận phục hồi nhẹ |
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lượng giao dịch của thị trường bất động sản chỉ có thể bật tăng nếu nguồn cung được cải thiện với nhiều sản phẩm đa dạng và mức giá phù hợp với thu nhập trung bình, cũng như tài sản đã tích lũy của đại đa số người dân. Nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính do tình hình kinh tế chung, bị chôn vốn ở các dự án trước đó trong khi điều kiện vay mua ngày càng siết chặt.
Ngoài ra, giá bất động sản nhà ở thứ cấp, đặc biệt là sản phẩm đất nền có sự phân hóa theo phân khúc giá. Dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, có giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm, ghi nhận mức giá tăng khoảng 5-7% so với quý trước, một số khu vực ghi nhận hàng trăm giao dịch thành công.
Bên cạnh đó, phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục tăng cao với nhu cầu thuê, mua tăng vọt, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp. Ngoài ra, các sản phẩm cao cấp có mức giá tiếp tục sự điều chỉnh, giảm 20-30% so với đỉnh sốt với tốc độ thanh khoản chậm, đây vẫn là mức giá cắt lãi khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư của các nhà đầu tư trung, dài hạn.
Bất động sản phía Đông sẽ đem cơ hội gì cho nhà đầu tư?
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong thị trường bất động sản đã đến mức giới hạn do tác động tiêu cực từ nền kinh tế chung. Nếu không tìm được lối thoát kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng.
Tuy vậy, ông Đính cho rằng, dù thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay hứng chịu nhiều khó khăn, nhưng càng về cuối quý II/2023 càng ghi nhận nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Đặc biệt, thị trường chứng kiến sự lột xác ngoạn mục của thị trường bất động sản phía Đông TP. Hà Nội và theo như ông Đính đánh giá đây là một thị trường có sự “đi sau - về trước” so với toàn cảnh.
Theo đó, dù chỉ là một thị trường mới nổi nhưng bất động sản phía Đông đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu sinh sống tìm đến, trong bối cảnh thị trường thiếu điểm sáng, thì thị trường bất động sản phía Đông TP. Hà Nội lại âm thầm tăng trưởng.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, nhà đầu tư đang phải sống trong một thập kỷ mất mát |
Còn theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, hiện nay thị trường bất động sản đang trong trạng thái trầm lắng, khó lòng hy vọng 6 tháng cuối năm có thể khởi sắc như mong đợi. Dù vậy, thị trường có thể tươi tỉnh hơn, nhưng chỉ là tươi tỉnh trong sự kiệt sức.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhận định, nhà đầu tư bất động sản đang phải sống trong một thập kỷ mất mát, không có tăng trưởng. Dòng tiền toàn cầu không sôi động như những năm 2020 trở về trước, sau giai đoạn bùng nổ thì giờ là thời kỳ dòng tiền khó mà cái khó này còn là “khó toàn cầu trong bối cảnh chung”. Vị chuyên gia này cũng đánh giá, do một phần đến từ tâm lý đầu cơ quá nặng trên thị trường bất động sản khiến thị trường ngày một suy yếu, tạo nên nhiều nút thắt khó để gỡ được.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, bất động sản tại khu vực phía Đông TP. Hà Nội có thể trở thành điểm tựa giúp toàn bộ thị trường đi lên bởi triển vọng, hấp lực, tiềm năng bùng dậy vô cùng lớn.
Lý giải về điều này, ông Thiên cho biết, phía Đông của Hà Nội có tầm nhìn phát triển khác biệt, hướng đến sự phát triển bền vững, đồng bộ chứ không thời vụ, chộp giật. Đặc biệt, phía Đông đang được ưu ái đẩy mạnh phát triển hạ tầng, huyện Gia Lâm sẽ lên quận vào thời điểm cuối năm.
PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá: “Phía Đông sẽ nhanh chóng tăng tốc trở thành điểm đến lý tưởng trên bản đồ đầu tư tại thị trường bất động sản Hà Nội. Tọa độ phía Đông định hình chuẩn mức đô thị hiện đại cho thủ đô, rộng ra là vùng trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”.