Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024
Chiều 20/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 465 đại biểu tham gia biểu quyết - chiếm tỷ lệ 94,13%, trong đó có 463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - chiếm tỷ lệ 93,72%. Với kết quả trên, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành năm 2010. Trải qua gần 12 năm thực thi, bối cảnh thực tiễn và sự thay đổi của hệ thống văn bản pháp luật đã đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, hoàn thiện Luật để bảo đảm phù hợp với tình hình mới. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân hữu quan để triển khai xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quá trình xây dựng Dự án Luật đã được các cơ quan thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và tiến độ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
Ngày 26/9/2022, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Ngày 10/11/2022, trong khuôn khổ các hoạt động tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật.
Sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và 56 đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Ban soạn thảo Dự án Luật chủ động phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức nhiều hình thức xin ý kiến đối với Dự thảo Luật với đối tượng tham gia đa dạng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trên phạm vi cả nước.
Đồng thời, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức gần 30 phiên làm việc với đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức để trao đổi, thống nhất phương án tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp.
Ngày 26/5/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật và ngày 13/6/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về một số vấn đề giải trình, tiếp thu trong dự thảo Luật.
Từ ngày 12 đến 14/6/2023, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Phiên họp ngày 20/6/2023.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Dự án Luật |
Trong quá trình xây dựng, Dự án Luật đã nhận được ý kiến của 193 đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp qua văn bản, tại các hội thảo, phiên làm việc xin ý kiến.
Bộ Công Thương phối hợp Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp. Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, chủ động giữa các đơn vị, Dự thảo Luật đã được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao về kết quả tiếp thu, chỉnh lý, đã đạt được sự đồng thuận tương đối cao trong quá trình lấy ý kiến các chủ thể có liên quan.
Quá trình tiếp thu, giải trình các ý kiến được thực hiện trên tinh thần minh bạch, chủ động, có sự tham gia đầy đủ, thường xuyên của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý bảo trên cơ sở bảo đảm bám sát các yêu cầu, chính sách do Chính phủ đề ra, phù hợp với các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được sự rà soát chặt chẽ của Cơ quan thẩm tra, các Ủy ban liên quan của Quốc hội.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, một số nội dung của Dự thảo Luật đã nhận được sự quan tâm, có nhiều ý kiến tham gia, nổi bật là: khái niệm người tiêu dùng; quy định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm sự cần bằng về quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Để giải quyết các vấn đề trên, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã chủ động tổ chức nhiều phiên làm việc trực tiếp với đại diện các cơ quan có thẩm quyền để trao đổi, thống nhất phương án chỉnh lý Dự thảo Luật. Nhờ vậy, tại thời điểm trình Quốc hội xem xét biểu quyết, về cơ bản, toàn bộ Dự thảo Luật đã nhận được sự đồng thuận tương đối cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, chú trọng công tác tổ chức thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác triển khai thi hành Luật này.
Để chuẩn bị cho công tác thực thi Luật nêu trên, Bộ Công Thương đã dự thảo và sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính xem xét phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Trên cơ sở chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để nhanh chóng triển khai các hoạt động cần thiết, bảo đảm hiệu quả và sớm đưa các quy định của Luật đi vào thực tiễn sản xuất, tiêu dùng của nền kinh tế.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 và thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12. |