Loạt chung cư thương mại mọc trên “đất vàng” sau di dời nhà máy, cơ sở sản xuất tại Hà Nội
Tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một nghiêm trọng tại Hà Nội, đặc biệt tại một số quận đang phát triển đô thị nhanh và là cửa ngõ vào trung tâm Thủ đô. Nguyên nhân một phần bởi tình trạng quy hoạch bị "băm nát", với hàng loạt tòa nhà chung cư cao tầng nhồi nhét cùng mật độ dày đặc.
Trước đó, vào đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủđã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Thực hiện chủ trương trên, năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành và đã tổ chức phân nhóm tiêu chí và thứ tự di dời.
Một trong các mục tiêu của việc di dời là giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội. Theo lộ trình là vậy nhưng trên thực tế, hiện nay trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất không di dời. Còn những trường hợp đã di dời hầu hết đất vàng để lại đều được các doanh nghiệp bất động sản lớn thâu tóm, thế vào đó là các tòa cao ốc, khu đô thị, nhà ở thương mại bán với giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
Thực trạng này cho thấy, quy hoạch đô thị tại Hà Nội đã và đang bộc lộ những bất cập, thiếu đồng bộ giữa việc phát triển khu đô thị và hạ tầng giao thông. Thực trạng dễ thấy nhất là nhiều tuyến đường đang bị "bóp nghẹt" bởi hàng loạt chung cư đang trực tiếp gây nên sự quá tải về hạ tầng, với các hiện tượng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm.
Dưới đây là một số dự án chung cư thương mại "mọc" trên đất vàng trước đó là vị trí xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất và đã được di dời:
Dự án Hoàng Thành Pearl (địa chỉ K2 Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh (tên thương mại Hoàng Thành Pearl) có tổng diện tích đất nghiên cứu lập dự án là 14.786 m2, phần đất xây dựng công trình là 12.776 m2, đất mở đường theo quy hoạch là 2.010 m2. Quy mô xây dựng một tháp 30 tầng nổi, 3 tầng hầm với trung tâm thương mại, văn phòng và 336 căn hộ, cùng 25 căn liền kề, nhà phố. Tổng vốn đầu tư là 1.108 tỷ đồng. |
Khu đất vàng này vốn là nhà xưởng của Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội, được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho thuê và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất từ năm 2007. Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành Hà Nội. Khu đất sau đó được quy hoạch thành đất hỗn hợp. Ngày 23/8/2018, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký Quyết định Chủ trương đầu tư số 4440/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội. |
Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành (Hoàng Thành Group) đã mua lại cổ phần của Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội - BTH theo phương thức thỏa thuận qua sàn, với mức giá chỉ 9.400 đồng/cổ phần (tương đương 16,3 tỷ đồng, vào thời điểm tháng 11/2014). Sau đó, BTH tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ và Hoàng Thành Group từng bước nắm quyền chi phối và quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Hiện tại, sau khi dự án Hoàng Thành Pearl xây dựng dự án nhà ở thương mại trên đất vàng, chỉ tính riêng 25 căn liền kề, nhà phố mặt phố đường K2 và mặt trong khuôn viên dự án có giá hàng chục tỷ đồng/căn. |
Dự án Hoàng Thành Pearl có vị trí đắc địa, nếu tuyến đường K2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được thi công và thông xe theo quy hoạch, chắc chắn giá trị sẽ còn tăng lên nhiều tỷ đồng. |
Dự án Hinode City (địa chỉ 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại Hinode City) ở địa chỉ số 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (WTO) làm chủ đầu tư. Dự án Hinode City có diện tích sử dụng hơn 2,8 ha, tổng mức đầu tư trên 4.825 tỷ đồng. |
Nguồn gốc đất trước khi chuyển đổi mục đích do Tổng Công ty CP thương mại xây dựng thuê làm trụ sở làm việc và nhà xưởng. Đến năm 2011, UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi để thực hiện dự án Honide City. Dự án gồm 3 khối công trình (tòa nhà hỗn hợp dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở-Ký hiệu khối 01; hai tòa nhà chung cư-Ký hiệu khối 02 và 03). |
Liên quan tới các vi phạm tại dự án Hinode City 201 Minh Khai, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm tại dự án này. Đáng chú ý, liên ngành gồm sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục Thuế Hà Nội trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất đã đưa khoản chi phí kiểm định chất lượng phù hợp công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng thể chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không định quy định của Bộ Tài chính, với số tiền là hơn 25 tỷ đồng. |
Dự án Mipec Xuân Thủy (địa chỉ 122-124 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Khu đất 122-124 Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trước đây là trụ sở Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway, thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco. Khu đất vốn là bãi đỗ xe buýt, đồng thời là trung tâm điều hành xe Tân Đạt và Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp thuộc Transerco. |
Tháng 8/2018, dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại là Mipec Rubik 360) được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư với kinh phí là 2.466 tỷ đồng. Sau đó, dự án được ngày 29/3/2019, do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy làm chủ đầu tư. |
Việc di dời nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành vốn dĩ để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô. Thế nhưng, quyết định của UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán - Mipec Rubik 360 “vô tình” khiến trục đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy vốn đã đông đúc lại càng thêm gánh nặng về giao thông. |