Liệu trí tuệ nhân tạo có thay đổi cách con người làm việc?
Microsoft vừa chính thức công bố dữ liệu và thông tin mới từ báo cáo Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2023 với tiêu đề: "Liệu AI có thay đổi cách con người làm việc?
AI tạo ra một phương thức làm việc hoàn toàn mới. Ảnh minh họa |
Báo cáo Chỉ số Xu hướng Công việc 2023 đã thực hiện khảo sát 31.000 người đại diện cho nhiều ngành nghề khác nhau tại 31 quốc gia, trong đó có 14 nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương, cùng với hàng nghìn tỷ tín hiệu từ email, cuộc họp, trò chuyện trên Microsoft 365 và xu hướng lao động trên LinkedIn.
Dữ liệu cho thấy, tốc độ công việc đã tăng nhanh hơn so với khả năng của con người và điều này đang ảnh hưởng đến sự đổi mới. Công nghệ AI thế hệ tiếp theo sẽ giải phóng bớt gánh nặng công việc. Theo đó, các tổ chức tiên phong trong việc áp dụng AI sẽ có khả năng tăng cường sự sáng tạo và năng suất cho nhân viên.
Báo cáo Chỉ số Xu hướng Công việc 2023 năm nay đã đưa ra ba kết luận quan trọng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nếu họ muốn áp dụng AI một cách có trách nhiệm trong tổ chức của mình.
Thứ nhất, gánh nặng dữ liệu số đang buộc chúng ta phải đổi mới: Tất cả chúng ta đều đang “mắc kẹt” với một khối lượng dữ liệu số khổng lồ. Những dữ liệu từ email, các cuộc họp và trò chuyện đã vượt quá khả năng xử lý của chúng ta. Mỗi phút chúng ta phải dành ra để xử lý các dữ liệu số là một phút dành cho công việc sáng tạo đã bị bỏ lỡ.
65% lãnh đạo người Việt Nam bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thiếu sáng tạo và đổi mới trong công việc (tỉ lệ này trên toàn cầu là 60%); 79% người lao động Việt Nam đồng ý rằng họ không thể duy trì sự tập trung trong cả ngày làm việc (tỉ lệ này trên toàn cầu là 68%).
Thứ hai, một liên minh mới gồm AI và người lao động đã được hình thành: Trong khi 54% người lao động Việt Nam cho biết họ lo lắng Al sẽ thay thế vị trí công việc của họ, có tới 90% mong muốn giao càng nhiều việc càng tốt cho Al để giảm bớt khối lượng công việc (tỷ lệ này trên toàn cầu lần lượt là 49% và 70%).
Cứ 10 người lao động Việt Nam thì có 9 người cảm thấy thoải mái khi sử dụng Al không chỉ cho các công việc hành chính (94%) mà còn cho công việc phân tích (94%) và thậm chí cả các khía cạnh sáng tạo trong công việc của họ (91%) (và tỷ lệ này trên toàn cầu lần lượt là 76%, 79%, và 73%).
Trong khi đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Al sẽ mang lại giá trị tại nơi làm việc bằng cách tăng năng suất làm việc (35%) hơn là cho rằng AI sẽ thay thế nhân viên (16%) - gấp 2,2 lần (con số này trên toàn cầu là 1,9 lần, với tỷ lệ lần lượt là 31% và 16%).
Thứ ba, mọi nhân viên đều cần có năng lực sử dụng AI: Mọi nhân viên, không chỉ các chuyên gia AI, sẽ đều cần những năng lực cốt lõi mới, ví dụ như kỹ năng tạo hướng dẫn cho AI. 94% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho biết nhân viên của họ sẽ cần những kỹ năng mới để chuẩn bị cho sự phát triển của Al (tỷ lệ này trên toàn cầu là 82%). 80% người lao động Việt Nam cho biết họ hiện chưa có đủ năng lực phù hợp để hoàn thành công việc (tỷ lệ này trên toàn cầu là 60%).
Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết: AI tạo ra một phương thức làm việc hoàn toàn mới, AI không chỉ là một công cụ, mà đã trở thành một trợ lý ảo của con người, giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng từ dữ liệu số khổng lồ và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.
Khi bối cảnh công việc đã thay đổi cùng với sự phát triển của AI, con người cũng cần phải thay đổi. Các nhân viên đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương là những người rất lạc quan về việc ứng dụng AI trong công việc.
"Điều quan trọng nhất đối với mọi nhà lãnh đạo hiện nay là làm sao tận dụng được AI để giảm bớt khối lượng công việc, thúc đẩy sự sáng tạo và xây dựng năng lực sử dụng AI cho nhân viên” - bà Nguyễn Quỳnh Trâm nhận định.