Lễ vào nhà mới của dân tộc Lào- nét đặc sắc văn hoá
Lễ vào nhà mới, việc làm hệ trọng của dân tộc Lào
Sinh sống lâu đời tại tỉnh Sơn La, dân tộc Lào hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa giàu bản sắc. Trong đó, lễ vào nhà mới là một đặc trưng văn hóa, in đậm dấu ấn của tộc người này.
Lễ vào nhà mới là một đặc trưng văn hóa của dân tộc Lào |
Đồng bào Lào có quan niệm: Làm ăn có tháng, làm nhà có ngày nên việc chọn ngày lành tháng tốt để vào nhà mới đối với đồng bào dân tộc Lào là một trong những việc hệ trọng đối với bà con. Đây là nghi thức tốt đẹp có từ bao đời nay, vẫn được đồng bào dân tộc Lào duy trì đến ngày nay.
Ông Vì Thanh Nó, người có uy tín dân tộc Lào tại huyện Sốp Cộp (Sơn La) cho biết: Sau khi dựng xong nhà mới, gia chủ sẽ chọn ngày lành tháng tốt theo quan niệm để tiến hành nghi thức thực hiện lễ vào nhà mới. Để chuẩn bị cho cuộc sống sinh hoạt ở ngôi nhà mới, gia chủ phải chuẩn bị một số đồ dùng, vật dụng sinh hoạt, trong đó nhất định phải có 1 cái “ninh” (chõ đồ xôi) vì trong cuộc sống hàng ngày, đồng bào dân tộc Lào có thói quen ăn cơm nếp là chính. Các vật dụng được để ở vị trí trước cầu thang lên nhà.
Gia chủ phải chuẩn bị một số đồ dùng, vật dụng sinh hoạt cho lễ vào nhà mới |
Chuẩn bị lễ vật cho lễ vào nhà mới |
Trước khi đến ngày vào nhà mới, gia chủ mời một người cao niên trong bản, thường là già làng trưởng bản hoặc người có uy tín trong cộng đồng, được dân bản kính trọng để làm người đại diện hỗ trợ trong ngày làm lễ vào nhà mới.
Người được gia chủ chọn thay mặt gia chú đứng trước cầu thang nhà |
Lễ vật trong lễ cúng vào nhà mới của đồng bào dân tộc Lào gồm: Gà trống luộc, thủ lợn (tùy theo điều kiện kinh tế của gia chủ), nội tạng lợn, xôi nếp, rượu cần, rượu trắng, 2 cái chén, tất cả được đặt lên bàn thờ trong nhà.
Đậm dấu ấn của dân tộc Lào
Để chuẩn bị lễ vào nhà mới, người được gia chủ chọn thay mặt gia chú đứng trước cầu thang nhà. Khi đến giờ tốt đã định, gia chủ đi trước dẫn theo con cháu đem theo cái “ninh” và các vật dụng sinh hoạt phía sau. Đến chân cầu thang nhà mới, gia chủ dừng lại và bắt đầu các bước đầu tiên trong nghi thức cúng vào nhà mới.
Gia chủ đi trước, dẫn theo con cháu đem theo cái chõ đồ xôi cho lễ vào nhà mới |
Gia chủ hỏi già làng: “Nhà mới đã làm xong, giờ tốt đã đến. Tôi đưa con cháu vào nhà mới có tốt không? Già làng đáp: "Nhà mới đã xong, giờ tốt đã đến, vào nhà mới bây giờ thì sẽ gặp mới được rồi”.
Việc làm đầu tiên khi vào nhà mới đồng bào sẽ mang cái chỗ đồ xôi đặt lên bếp lửa và đồ xôi |
Sau đó mọi người di chuyển lên nhà sàn để thực hiện phần tiếp theo của lễ vào nhà mới. Khi gia chủ cùng con cháu và dân bản, khách dự lễ đã lên hết, một người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình sẽ thực hiện việc thay mặt gia chủ cảm ơn khách quý đã đến chung vui với gia đình bằng việc đứng tại cửa vào nhà chính, rót rượu mời từng người.
Khi lên nhà, chủ nhà mang cái ninh (chõ đồ xôi) đặt vào bếp của ngôi nhà, các thành viên khác trong gia đình đem đồ dùng, vật dụng vào đặt trong nhà. Sau khi mọi người đã ổn định, gia chủ bắt đầu thực hiện nghi thức cúng vào nhà mới.
Chủ lễ thực hiện lễ cúng |
Uống rượu cần chúc mừng lễ vào nhà mới |
Hát múa mừng lễ vào nhà mới của dân tộc Lào |
Nhập Làng Văn hóa, chào đón năm mới 2024 và làm lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Lào có sự tham dự của cộng đồng 15 dân tộc đang sinh sống và làm việc thường xuyên tại “Ngôi nhà chung” đã đem đến một không gian ấm cúng, rộn ràng. Đây cũng là cơ hội để đồng bào dân tộc Lào giới thiệu và lan tỏa văn hóa đặc trưng của mình đến cộng đồng 54 dân tộc anh em.