Lễ Phục sinh không có ngày cố định mà người dân thường tính lễ Phục sinh diễn ra vào một ngày Chủ nhật bất kì khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4 để tưởng niệm sự kiện chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết sau khi bị đóng đinh trên Thánh giá. Do vậy, Lễ Phục sinh còn được coi như lễ hội mùa Xuân, mừng đất trời chuyển mùa với rất nhiều màu sắc rực rỡ.
Phục Sinh là trọng tâm của niềm tin trong Thiên Chúa Giáo. Người theo đạo Thiên Chúa tin rằng Chúa Jesus chết trên thập tự giá nhưng sau đó, từ cõi chết, Ngài đã sống lại và trở lên Thiên quốc trong khải hoàn ca.
Lễ Phục sinh tại Nga |
Năm nay, Lễ Phục sinh rơi vào 31/3. Trước ngày đó là ba ngày Tam Nhật Vượt Qua kỷ niệm những biến cố trong cuộc khổ nạn của Chúa Jesus để cứu rỗi nhân loại. Ngày thứ 5 Tuần thánh kỷ niệm bữa Tiệc Ly, ngày thứ 6 kỷ niệm Chúa Jesus chịu khổ nạn và ngày thứ 7 kỷ niệm Chúa chịu táng trong mộ đá.
Vào ngày thứ sáu Tuần thánh sẽ có một cuộc rước long trọng diễn ra tại Vatican. Đức Giáo hoàng dẫn đầu cuộc rước, khiêng Thánh giá dọc theo Via Crucis (Đàng Thánh Giá). Tái hiện Cuộc Thương Khó (từ khi bị kết án đến bị đóng đinh trên thập giá và cuối cùng là an táng trong hầm mộ) đến đồi Calvary.
Cho đến ngày nay Phục sinh là một dịp lễ thú vị và giàu truyền thống, được tổ chức long trọng và vui vẻ bởi cả những người theo đạo cũng như người ngoại đạo. Lễ Phục sinh của người Nga kéo dài 7 ngày thường được gọi là Tuần Thánh.
Vào đêm trước Phục sinh sẽ diễn ra các buổi cầu nguyện đêm rất lớn và một đám rước xung quanh các nhà thờ. Cũng trong thời gian này trong tất cả các gia đình người Nga đã chuẩn bị cho mình món bánh nướng - bánh Kulich (món bánh nướng truyền thống cho ngày này và các quả trứng được vẽ với đủ sắc màu).
Trong Ngày Thánh vĩ đại thứ Bảy trước Lễ Phục sinh, các tín đồ Chính thống mang các món ăn đặc trưng này tới nhà thờ để được linh mục đọc lời cầu nguyện và vẩy nước thánh ban phước lành.
Sau đó, các món ăn này được bày trên bàn và cả gia đình, bạn bè cùng quây quần thưởng thức đặc sản Phục sinh cùng với những món ăn lễ hội khác mà mỗi gia đình đều có thực đơn riêng của mình.
Ngoài ra, trong suốt Lễ Phục sinh, người dân cũng chia tiền bạc, trứng và bánh cho những người thân, người hành khất, người nghèo khổ để họ cùng được hưởng phước lành của Chúa Phục sinh.
Người Nga cũng có những tục lệ và điềm báo riêng cho ngày Lễ Phục sinh. Ví dụ như: Các cô gái trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được bốc muối bằng tay trong dịp lễ để tránh tay ra mồ hôi; nước được lấy từ giếng vào đêm phục sinh được coi như nước thiêng, khi vẩy vào trong nhà có thể xua đuổi những điều không may, xấu xa...
Trong khi đó, tại Na Uy người dân ăn mừng lễ Phục sinh kéo dài một tuần bằng cách đọc tiểu thuyết tội phạm và xem các chương trình giết người bí ẩn. Để đáp ứng nhu cầu xem phim, các nhà xuất bản tung ra nhiều phim kinh dị mới, trong khi các kênh truyền hình thêm phim truyền hình tội phạm vào lịch trình phát sóng hàng ngày.
Ở Hy Lạp, người dân ở Corfu lại ném những chiếc bình đất sét chứa đầy nước gọi là "botides" xuống đường để thể hiện rằng họ vứt bỏ những thứ cũ và sẵn sàng cho một khởi đầu mới.
Tại Italy, người dân mặc trang phục thế kỷ XV và hộ tống một chiếc xe cổ cao 9 mét chứa đầy pháo hoa đến Nhà thờ Florence. Đây là truyền thống có hơn 350 năm tuổi có tên ‘scoppio del carro". Người ta tin rằng màn pháo hoa độc đáo này hứa hẹn một vụ thu hoạch bội thu trong năm tới.