Đại biểu Quốc hội nói gì về phiên chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành? 10 phát biểu “ấn tượng” của các Bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên thảo luận kinh tế xã hội |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng được đánh giá có sự chuẩn bị khá tốt; Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nắm chắc thực trạng, trả lời thẳng thắn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất nhiều giải pháp có hiệu quả; Tổng Thanh tra Chính phủ nắm rõ tình hình, trả lời đầy đủ, bao quát. Tuy nhiên qua chất vấn, nhiều vấn đề tồn tại của các bộ, ngành được chỉ rõ, nhiều giải pháp khả thi được đề xuất nhằm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
4 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội |
Cần ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, đẩy giá bất động sản
Với phần trả lời của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết có 61 đại biểu đăng ký, 36 đại biểu đã chất vấn và 1 đại biểu tranh luận trực tiếp, còn 25 đại biểu có câu hỏi nhưng hết giờ sẽ được trả lời bằng văn bản.
“Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Xây dựng tuy lần đầu trả lời chất vấn, nhưng với kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, bộ trưởng đã có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất được một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực xây dựng vẫn còn những bất cập như điều chỉnh quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn tùy tiện; di dời trụ sở bộ, ngành, các cơ sở khỏi nội đô TP. Hà Nội còn chậm; cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục những bất cập, hạn chế.
Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị nông thôn; quản lý chặt chẽ các quy hoạch; khắc phục tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông.
Đáng chú ý cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhà ở; không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp...
“Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có 33 đại biểu đặt câu hỏi, trong đó có 10 đại biểu tham gia tranh luận; còn 54 đại biểu đăng ký và 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng hết giờ sẽ được trả lời bằng văn bản.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm, các đại biểu đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, đúng nội dung.
“Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng có kinh nghiệm trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực và đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng đã nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn với tinh thần cầu thị các câu hỏi của đại biểu, đề xuất các giải pháp và phương án xử lý cụ thể”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng |
Qua phiên chất vấn lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Trong đó, tăng cường nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương; thực hiện phổ cập kỹ năng số miễn phí giúp người dân dễ dàng khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. “Tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói, cần bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người dùng.
Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ, ngành liên quan cũng cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tiếp tục tăng cường kiểm tra việc bảo vệ thông tin cá nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thu thập, xử lý thông tin cá nhân. Đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác…
Đẩy nhanh lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong năm 2023
Phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có 31 đại biểu đặt câu hỏi, trong đó có 3 đại biểu tranh luận, còn 70 đại biểu đăng ký và 1 đại biểu đăng ký tranh luận sẽ được trả lời bằng văn bản.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là lần đầu tiên bộ trưởng trả lời chất vấn kể từ khi nhận nhiệm vụ. Nhưng với kinh nghiệm thực tiễn, bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng công tác quản lý của ngành, chỉ rõ được những vấn đề tồn tại, hạn chế, những vướng mắc, bất cập, những vấn đề còn gây bức xúc trong xã hội.
“Bộ trưởng trả lời cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp có hiệu quả với Quốc hội và Chính phủ”, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Nhấn mạnh, đây là lĩnh vực mang tính thời sự, thực tiễn đang có nhiều vương mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai có hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Trong đó tập trung đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công; khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trong năm 2023, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình triển khai thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết 27 của Trung ương.
Xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng thống nhất, kiểm định chất lượng đầu vào nhằm bảo đảm chất lượng ngay từ khi tuyển dụng; thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp với viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích trong hoạt động nghề nghiệp.
Đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra
Với phiên chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có 31 đại biểu chất vấn, 8 đại biểu tranh luận; còn 29 đại biểu đã đăng ký sẽ được trả lời bằng văn bản.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng, phản ánh được ý kiến trăn trở, bức xúc của cử tri và nhân dân.
“Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng với kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, trong thời gian qua, Tổng Thanh tra Chính phủ đã nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách; trả lời đầy đủ, bao quát và đề xuất được một số giải pháp cho thời gian tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội khái quát.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong |
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực như ngân hàng, quản lý và sử dụng đất đai, kinh doanh xăng dầu…
Ngoài ra, đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; tăng cường theo dõi, đôn đốc xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản, bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra; chuyển danh sách tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét, xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. “Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số, 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số”- Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.